Mỹ giúp Đông Nam Á tăng cường an ninh hàng hải

Mỹ giúp Đông Nam Á tăng cường an ninh hàng hải
TP - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ 32,5 triệu USD cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để tăng cường an ninh hàng hải.

Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ dạo chợ Việt Nam
> Mỹ viện trợ Việt Nam 17 triệu USD chống biến đổi khí hậu

Ông Kerry nhấn mạnh, khoản viện trợ này không liên quan tuyên bố gần đây của các nước khác.

“Cam kết giúp các nước ASEAN tăng cường khả năng hoạt động trên biển của mình là chính sách của Mỹ đã có từ lâu. Đây không phải phản ứng nhanh trước một hành động nào đó”, ông Kerry nói trong buổi họp báo tại Hà Nội chiều 16/12, sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ông Kerry nói rằng, khoản tiền dành cho Việt Nam nhằm tăng cường các đội tuần tra bờ biển để có thể phản ứng nhanh hơn với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Khoản tiền cũng sẽ được dùng để mua 5 tàu tuần tra nhanh cho lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam vào năm 2014.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn giữa hai chính phủ đã được Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear và Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Bùi Hồng Lĩnh ký kết sáng 16/12 tại Hà Nội. Theo Đại sứ David Shear, kể từ năm 1993, Mỹ đã cung cấp hơn 65 triệu USD để hỗ trợ giải quyết những mối đe dọa từ việc ô nhiễm bom mìn chưa nổ tại Việt Nam.

“Mỹ quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích, gây sức ép để đạt được những mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ. Các nước có tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và đảm bảo những yêu cầu của họ là phù hợp luật quốc tế. Những nước này có thể tham gia những cơ chế trọng tài cũng như nỗ lực ngoại giao”, ông Kerry nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng thể hiện ủng hộ ASEAN sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Về tuyên bố mới đây của Trung Quốc về lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, ông Kerry nói: “Mỹ không công nhận vùng này và tuyên bố của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cách mà Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự của mình trong khu vực. Đấy là một quan ngại mà chúng tôi đã nói thẳng thắn và trực tiếp với Trung Quốc, rằng vùng này không nên được xác lập và Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông”.

Tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, hai bên đã trao đổi việc tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

“Về vấn đề biển Đông, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, chia sẻ quan điểm rằng, tranh chấp chủ quyền biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật biển. Các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và sớm tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc”, ông Phạm Bình Minh nói.

Thúc đẩy TPP

Việt Nam là một trong các nước đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm tạo ra một khối tự do thương mại kéo từ Việt Nam tới Chile và Nhật Bản, với dân số 800 triệu người và chiếm gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Hai người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam và Mỹ khẳng định, hai nước đang đàm phán tích cực để nâng cao các chuẩn mực thương mại, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tiêu chuẩn lao động…

Đánh giá triển vọng hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, Phó Thủ tướng –Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, kinh tế - thương mại - đầu tư là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

“Nếu chúng ta nhìn lại từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, như ngài Ngoại trưởng John Kerry nói, kim ngạch thương mại lúc đó là khoảng 950 triệu USD, đến 2012 đã tăng lên 25 tỷ USD, tức là tăng 50 lần. Về đầu tư tại Việt Nam, Hoa Kỳ đứng thứ bảy, với mức đầu tư trên 11 tỷ USD. Có thể nói, đó là mức tăng vượt bậc trong các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước”, ông Phạm Bình Minh nói.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác khoa học công nghệ, trong đó có việc sớm chính thức ký hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục - đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh cũng được thúc đẩy trong thời gian tới, trong đó có việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã ký hợp đồng triển khai đánh giá tác động môi trường tại điểm nóng chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa, và Biên bản ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vừa được ký kết.

Chiều 16/12, Ngoại trưởng John Kerry đến chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ hiện có và trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong đàm phán TPP, Mỹ xem xét điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là tiếp cận thị trường hàng hóa dệt may và da giày…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG