Mỹ, Iraq bàn tương lai thời hậu rút quân

Mỹ, Iraq bàn tương lai thời hậu rút quân
TP - Hôm qua tại Washington, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Iraq Nouri Maliki thảo luận hợp tác bảo đảm an ninh cho Iraq sau khi Mỹ rút hết quân khỏi nước này vào cuối năm nay.

Mỹ tuyên bố kết thúc chín năm cuộc chiến Iraq
> Mỹ, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác chống khủng bố

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo chưa đồng thuận về một số vấn đề quốc tế, trong đó có lập trường về Syria.

Ông Obama khẳng định Mỹ sẽ tôn trọng chủ quyền của Iraq, sẽ không duy trì bất kỳ căn cứ hay binh lính nào ở nước này sau năm 2011. “Những ngày đó đã qua rồi”, ông nói. “Khi chúng tôi kết thúc cuộc chiến này, và Iraq hướng tới tương lai, người dân Iraq nên biết rằng họ không đơn độc”, Tổng thống Obama tuyên bố.

Ông Maliki nói việc rút quân của Mỹ “là thành công, chứ không phải như mọi người nói”, và hai nước đã hoàn thành “bước đầu tiên của sự hợp tác mang tính xây dựng”. Ông Maliki khẳng định sẽ không cho phép nước ngoài can thiệp vào Iraq, nhưng Baghdad sẽ cần hợp tác với Mỹ, trong đó có việc chia sẻ thông tin, đào tạo và cung cấp trang thiết bị quân sự để bảo đảm an ninh quốc gia.

Tổng thống Obama nói ông hy vọng Mỹ sẽ diễn tập quân sự chung với Iraq, nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ phải đào tạo phi công cho Iraq. Mỹ đã bán cho Iraq một số máy bay chiến đấu F-16. Iraq cần một lực lượng không quân hiệu quả, ông Obama nói.

Quân đội Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi Iraq vào cuối năm nay; hai bên chưa đạt thỏa thuận nào về việc lực lượng Mỹ sẽ quay lại. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì tầm ảnh hưởng ngoại giao và để lại 150 chuyên gia đào tạo quân sự ở Iraq.

Lầu Năm Góc muốn bảo đảm về mặt pháp luật rằng quân Mỹ sẽ không bị truy tố, nhưng Iraq không thực hiện điều này. NATO đã quyết định dừng sứ mệnh đào tạo ở Iraq vào cuối năm, sau khi Iraq từ chối cung cấp quyền miễn trừ tư pháp.

Khoảng 6.000 lính Mỹ đang ở Iraq, so với con số 170.000 hồi năm 2007. Việc rút quân sẽ kết thúc cuộc chiến khiến gần 4.500 quân nhân Mỹ thiệt mạng, gần 32.000 lính bị thương, hàng trăm tỷ USD bị tiêu tốn. Khoảng 1 triệu lính Mỹ từng có mặt ở Iraq.

Theo nhiều nhà phân tích, trong cuộc chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống tới, ông Obama sẽ sử dụng việc rút quân này để ca ngợi sự hy sinh của quân đội và để nhắc nhở đất nước về một cuộc chiến không được nhiều người ủng hộ đã kết thúc dưới thời ông cầm quyền. Ngay từ đầu, ông Obama đã phản đối cuộc chiến.

Căng thẳng leo thang vì bay do thám

Nhiều người Mỹ quan ngại về mức độ ảnh hưởng của Iran đối với Iraq, đặc biệt là chính phủ của ông Maliki. Ông Obama nói rằng, Mỹ đang gây sức ép để Iran trả lại chiếc máy bay do thám không người lái mà quân đội Iran mới đây thủ được. “Chúng tôi đã yêu cầu trả lại máy bay. Chúng tôi sẽ chờ xem người Iran phản ứng thế nào”, ông Obama nói. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng bà nghĩ Iran sẽ không trả lại chiếc máy bay.

Ngày 13-12, trên truyền hình, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói nước ông có thể kiểm soát chiếc máy bay do thám. Các chuyên gia quân sự Iran đang ở giai đoạn cuối của việc khôi phục dữ liệu từ máy bay. Một thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, Parviz Sorouri, nói rằng, dữ liệu thu được sẽ được dùng để “kiện Mỹ xâm phạm vùng trời Iran”. Chính phủ Iran đã gửi thư phản đối tới Liên Hợp Quốc, buộc tội Mỹ có “hành động bí mật và khiêu khích” vi phạm luật quốc tế, và cảnh báo đáp trả những hành động tương tự trong tương lai.

Các quan chức Mỹ nói rằng, phân tích tình báo cho thấy Iran không bắn rơi cũng như không dùng chiến tranh điện tử hoặc công nghệ ảo để buộc chiếc máy bay hạ cánh. Theo họ, nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng, Iran hoặc các đồng minh của nước này có thể xác định được thành phần hóa học của lớp sơn chống radar trên máy bay, hoặc sao chép động cơ, hệ thống điều khiển, cảm biến, camera tối tân của nó.

Về vấn đề Syria, Mỹ kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, nhưng Thủ tướng Iraq cảnh báo rằng, có thể xảy ra nội chiến nếu ông Assad rút lui. Nội chiến ở Syria có thể lan ra toàn khu vực, rất khó kiểm soát, ông Maliki nói. Iraq từng bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn Ảrập về việc áp lệnh trừng phạt với Syria.

Gia Tùng
Theo BBC, AP, CNN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG