Mỹ khó đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở Ðại Liên, Trung Quốc, ngày 8/5/2018 ảnh: Xinhua
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp ở Ðại Liên, Trung Quốc, ngày 8/5/2018 ảnh: Xinhua
TP - Việc cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào được cho là hợp logic. Không có sự bảo đảm an ninh và nới lỏng trừng phạt nào, Bình Nhưỡng từ chối phá hủy tài sản hạt nhân và phương tiện phóng của họ.

Vì sao phải mất 2 cuộc gặp thượng đỉnh và rất nhiều cuộc tham vấn song phương căng thẳng trong suốt 7 tháng trời để dẫn đến một kết quả dễ đoán như vậy là điều nhiều nhà quan sát đang tìm hiểu.

Các chuyên gia cho rằng kết quả tốt nhất của hai cuộc gặp thượng đỉnh là cam kết của Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, và Mỹ quyết định dừng chọc giận Triều Tiên bằng các chiến dịch tập trận quân sự quy mô lớn quanh bán đảo Triều Tiên.

Dường như các cuộc bàn bạc giữa Washington và Bình Nhưỡng được chờ đợi sẽ duy trì quan điểm thống nhất đó. Triều Tiên có thể không muốn một cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc không có thỏa thuận nào như vậy. Nhưng theo một bài báo trên CNBC, Trung Quốc có thể có ý khác, ví như một sáng kiến trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với lý do nhân đạo, để làm dịu bớt các biện pháp trừng phạt rất mạnh đang tác động lớn đến người dân Triều Tiên.

Mỹ có thể phản đối điều đó vì cho rằng các biện pháp cấm vận nhằm tạo áp lực tối đa để Bình Nhưỡng buộc phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Nhưng cơ chế hoạt động dựa trên đồng thuận luôn rơi vào bế tắc trong Hội đồng Bảo an có thể mở cánh cửa cho những những biện pháp trừng phạt rộng hơn hiện nay, khi Mỹ có rất ít quyền can thiệp.

Quả bom hẹn giờ

Vì thế theo bài báo, vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ là quả bom hẹn giờ cho đến khi tìm ra giải pháp bảo đảm an ninh và một cơ chế kinh tế và chính trị chấp nhận được cho cả bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc đóng vai trò lớn trong đó.

Để tìm được giải pháp, câu hỏi cơ bản đối với Mỹ là phải tìm được một thỏa thuận chấp nhận được - một cơ chế cùng tồn tại hòa bình - với Trung Quốc. Theo một số chuyên gia, Washington cần hiểu rằng kiểu cạnh tranh chiến lược đối đấu sẽ không giúp họ đạt được mục tiêu đó. Đặc biệt nếu “đối thủ” bị gọi là “cường quốc xét lại” đang muốn đảo ngược trật tự thế giới mà Mỹ muốn duy trì.

Bài viết của CNBC ngày 3/3 nói, nhìn vào những vấn đề kinh tế đang tồn tại trong quan hệ Mỹ - Trung, cần phải chú ý đến phiên điều trần trước quốc hội của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer để hiểu rằng Mỹ và Trung Quốc luôn đi theo hướng va vào nhau.

Khi tìm cách cân bằng thương mại với Trung Quốc và giảm mức thâm hụt gần 500 tỷ đô la, Washington đang động vào giới hạn đỏ nhạy cảm nhất của Bắc Kinh. Mỹ đòi Trung Quốc phải cải tổ cấu trúc để chấm dứt tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc. Mỹ cũng muốn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với thương mại, như bảo hộ công nghiệp, thủ tục cấp bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật và những cách làm khác nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ.

Trung Quốc bác bỏ tất cả những điều đó, nhưng Mỹ khăng khăng muốn lập ra quy trình đánh giá lại để áp thuế trong trường hợp Bắc Kinh vi phạm bất kỳ quy tắc và cách làm thương mại nào mà Washington đề ra.

Nếu nghĩ kỹ về bản chất cải tổ cấu trúc của Trung Quốc, và quy trình thực thi pháp luật cần thiết để bảo đảm những cải tổ đó được thực thi thì sẽ thấy rõ ràng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ giúp Mỹ giám sát hiệu quả nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ thế, Mỹ còn muốn kiểm soát cả chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Cho rằng Trung Quốc đang thao túng tỷ giá hối đoái để giảm bớt tác động của thuế thương mại và duy trì ưu thế cạnh tranh, Mỹ muốn Trung Quốc công khai các chính sách can thiệp tiền tệ. Washington muốn bảo đảm rằng Trung Quốc không thao túng tỷ giá hối đoái vì mục đích cố ý thay đổi điều khoản thương mại.

Theo chuyên gia, điều đó không thể thực hiện về kỹ thuật. Trước tiên, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải đồng ý với chỉ số giá dùng để phân tích. Thứ hai, họ sẽ phải đồng ý về thời gian điều tra. Một cường quốc như Trung Quốc sẽ không thể đồng ý để nước khác kiểm soát kinh tế của họ như vậy.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng Washington có thể sẽ không đi đến đâu với chiến lược thương mại hiện tại với Trung Quốc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, ÐH Harvard (Mỹ), nói rằng nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có chiều hướng xấu đi thì Trung Quốc có thể cản trở Mỹ - Triều Tiên xích lại gần nhau và tăng cường đàm phán, bằng cách Bắc Kinh nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên để làm giảm nhu cầu gỡ bỏ cấm vận của Mỹ. “Một khi đã không còn nhu cầu được Mỹ dỡ bỏ cấm vận để ổn định kinh tế tiến tới cải cách, ông Kim Jong-un sẽ không còn thực sự mặn mà với việc tiếp tục đàm phán về phi hạt nhân hóa với phía Mỹ”, TS Phương nói.

MỚI - NÓNG