Mỹ không ép Ấn Độ hòa giải với Pakistan

Mỹ không ép Ấn Độ hòa giải với Pakistan
TP - Trong cuộc trả lời phỏng vấn của truyền hình CNN - IBN, khi phóng viên nêu câu hỏi nói rằng phía New Delhi e ngại Washington gây sức ép với chính phủ Ấn Độ về việc nối lại đàm phán hòa bình với Pakistan, bà Hillary Clinton nói rằng, không hề có chuyện đó.

Ngày 18/7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày, theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao S.M.Krishna. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của bà Hillary Clinton kể từ khi bà nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đến nay.

Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định, Mỹ không ép Ấn Độ phải hòa giải với Pakistan.

Bà nói: “Sẽ là không đúng nếu người Ấn Độ e ngại rằng, Washington gây áp lực đối với chính phủ Ấn Độ để New Delhi và Islamabad nối lại đàm phán hòa bình”.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước không liên kết họp tại Aicập vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói thẳng với Thủ tướng Pakistan Youself Raza Gilani rằng, phía New Delhi vẫn giữ quan điểm chưa nối lại đàm phán hòa bình với Pakistan.

Ấn Độ ra điều kiện, đàm phán hòa bình song phương Ấn Độ -Pakistan chỉ được nối lại khi nào Islamabad có hành động quyết liệt đối với nhóm Hồi giáo vũ trang Pakistan có tên gọi nhóm Lashkar-e-Taiba, mà New Dehli tin là thủ phạm gây ra nhiều vụ khủng bố ở Ấn Độ.

Nhân chuyến thăm New Delhi lần này của bà Hillary Clinton, phía Ấn Độ dự định công bố hai địa điểm mà nước này lựa chọn để cho các công ty Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỷ USD đã được hai bên thỏa thuận.

Ngoại trưởng Mỹ ở tại khách sạn Taj Mahal Palace và Tower, Mumbai - nơi từng xảy ra cuộc chiến cuối năm ngoái giữa một nhóm Hồi giáo cực đoan từ Pakistan đột nhập và chiếm giữ khách sạn và lực lượng an ninh Ấn Độ, làm chết 166 người.

Bà Hillary Clinton dự lễ tưởng niệm và vinh danh những nạn nhân vụ tấn công khủng bố của nhóm cực đoan Pakistan vào khách sạn này.

Sau sự kiện đó, quan hệ giữa New Delhi và Islamabad trở nên căng thẳng, Ấn Độ đơn phương ngừng cuộc đối thoại với Pakistan. Báo chí không được vào đưa tin sự kiện bà Ngoại trưởng Mỹ dự lễ tưởng niệm, vì lý do như lời các quan chức Mỹ nói là sự nhạy cảm đối với người Ấn Độ. Tại buổi lễ, Bà Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi thế giới chung tay tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Dư luận Ấn Độ cho rằng, nếu Islamabad đạt được thỏa thuận hòa bình với New Delhi, Pakistan sẽ rảnh tay hơn trong việc tập trung lực lượng truy quét tàn quân Taliban và nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan ở gần biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Ấn Độ và Pakistan bắt đầu cuộc đối thoại hòa bình từ năm 2004 nhằm giải quyết tất cả những vấn đề xung đột nổi cộm, bao gồm cả các cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai nước đối với một vùng lãnh thổ ở Kashmir. Tuy nhiên, tiến trình đối thoại này bị ngừng sau vụ một nhóm khủng bố từ Pakistan sang tấn công vào khách sạn Tower ở Mumbai nói trên.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn thảo luận nhiều vấn đề với Ấn Độ, trong đó bao gồm cả vấn đề an ninh biên giới giữa Ấn Độ với Pakistan, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thúc đẩy vòng đàm phán thương mại thế giới, và giám sát việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bà Hillary Clinton cho biết, quan hệ Mỹ-Ấn gần đây trở nên thân thiết hơn trong các lĩnh vực tài chính, y tế, giáo dục. Hai bên có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo kế hoạch, bà Hillary Clinton rời Mumbai đi New Delhi ngày 19/7 để có cuộc gặp với Thủ tướng Mamohan Singh và Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna. Sau đó, bà Hillary Clinton sẽ bay sang Phuket, Thái Lan để dự Hội nghị ASEAN với các bên đối thoại. 

Đ.P tổng hợp

MỚI - NÓNG