Mỹ 'không nhân nhượng' Thổ Nhĩ Kỳ thêm nữa

Một binh sỹ của chính phủ Syria tại Tel Tamer, đông bắc Syria. Ảnh: SANA
Một binh sỹ của chính phủ Syria tại Tel Tamer, đông bắc Syria. Ảnh: SANA
TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu đồng minh NATO này chấm dứt xâm nhập quân sự vào đông bắc Syria.

Ông Trump, người theo mô tả của giới chỉ trích là đã bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria bằng việc yêu cầu quân Mỹ rút khỏi khu vực xung đột,  trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã yêu cầu Ankara ngừng bắn.

“Mỹ đơn giản là không nhân nhượng với hành vi xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria thêm nữa. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng lại, chấm dứt bạo lực và tiến tới bàn đàm phán”, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói với các phóng viên.

Ông Trump cũng thông báo kế hoạch tái áp đặt thuế thép đối với Thổ Nhĩ Kỳ và dừng ngay lập tức việc thương thảo một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD.

Các nghị sỹ Dân chủ nhanh chóng chỉ trích các động thái này là quá ít và quá muộn. “Thông báo của ông ta về gói trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ quá ít để có thể đảo ngược thảm họa nhân đạo này”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi được Reuters dẫn lời.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ khi tấn công vào Syria được cho là nhằm vô hiệu hóa lực lượng dân quân YPG người Kurd, thành tố chính trong lực lượng đồng minh của Mỹ tại Syria do người Kurd dẫn dắt là Các lực lượng dân chủ Syria (SDF). SDF là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Ankara coi YPG là nhóm khủng bố cùng phe với các phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong ngày thứ Hai, các lực lượng của chính phủ Syria đã nhanh chóng tận dụng lợi thế khi quân Mỹ rút đi, triển khai quân vào sâu trong vùng lãnh thổ trước đó do các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn gần với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó chưa đầy một ngày, Mỹ tuyên bố kế hoạch rút quân hoàn toàn khỏi miền bắc Syria.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại lực lượng do người Kurd ở Syria dẫn đầu chiếm thế thượng phong ở Syria sẽ liên kết với các phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người trong vài thập kỷ qua đã cầm súng đòi ly khai. Người Kurd sinh sống trên khu vực núi cao trải dài từ bắc Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria và Iraq. Và họ muốn có nhà nước riêng. 

Lực lượng người Kurd ở Syria nói họ được chính phủ mời tham gia hàng ngũ quân chính phủ, một biện pháp khẩn cấp để giúp chống lại cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ được phát động từ thứ Tư tuần trước.

Quân đội Syria giờ đây đang đối đầu trực tiếp với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo một chiến tuyến dài hàng trăm ki lô mét.

Mỹ quyết “ngãng ra”

Báo chí Syria tường thuật rằng, quân đội nước này đã vào Manbij, thị trấn từng nằm trong tay một lực lượng dân quân đồng minh với người Kurd.

Việc triển khai quân của chính phủ Syria cho thấy chiến lược Mỹ theo đuổi ở Syria trong vòng 5 năm qua đã đột ngột kết thúc như thế nào. Hôm Chủ nhật, Mỹ tuyên bố họ đang rút toàn bộ 1.000 quân, lực lượng vốn hỗ trợ đường không, hỗ trợ mặt đất và huấn luyện những người Kurd ở Syria chống IS từ năm 2014. Mỹ sẽ chỉ duy trì một lượng nhỏ binh lính tại Syria “đề phòng IS quay trở lại”. Hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng, hầu hết số binh sỹ Mỹ sẽ rút khỏi Syria trong vài ngày.

Chưa rõ số phận người Kurd ở Syria sẽ ra sao. Các chiến binh người Kurd bắt đầu thực hiện chế độ tự trị ở vùng đông bắc nước này rất sớm, ngay từ cuộc nội chiến Syria nổ ra và kéo dài 8 năm qua. Mục tiêu của Tổng thống Syria Bashar al Assad là phục hồi quyền kiểm soát của chính phủ đối với toàn bộ lãnh thổ.

Nhà chính trị người Kurd Aldar Xelil nói cái bắt tay giữa lực lượng người Kurd với chính phủ Syria là biện pháp khẩn cấp. “Ưu tiên lúc này là bảo vệ an ninh biên giới khỏi mối nguy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ nói mục tiêu của ông là rút quân Mỹ khỏi các cuộc chiến không có hồi kết ở Trung Đông. “Bất cứ ai muốn giúp Syria trong việc bảo vệ người Kurd đều tốt đối với tôi, bất kể đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte”, ông Trump viết trên Twitter hôm đầu tuần. “Tôi hy vọng họ làm tốt, chứ chúng tôi ở xa tới 7.000 dặm”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.