Mỹ lần đầu trực tiếp tấn công quân sự vào syria: Hàm ý của ông Trump

Mỹ lần đầu trực tiếp tấn công quân sự vào syria: Hàm ý của ông Trump
TP - Trong khi Quốc hội Mỹ đang có những cuộc điều tra về việc Tổng thống Donald Trump và ê-kíp từ lúc tranh cử đã có tiếp xúc với Nga, cuộc tấn công bằng tên lửa của quân đội Mỹ nhằm vào Syria hôm qua một phần nhằm vào các đối tượng trong nước.

Đó là nhận định của TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, khi trao đổi với PV Tiền Phong về cuộc tấn công bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự của Syria. Ông Thái cho rằng, động thái này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ vừa không bất ngờ.

Ít ai ngờ ông Trump lại mạnh tay như vậy vào lúc này. Không bất ngờ là vì vũ khí hóa học là vấn đề rất nhạy cảm với Mỹ và các quốc gia phương Tây, đặc biệt trong vụ việc lần này có nhiều nạn nhân là trẻ em (Mỹ cáo buộc quân đội Syria mới đây sử dụng khí độc). “Tôi nghĩ Mỹ sẽ phản ứng nhưng không ngờ lại quyết liệt như vậy”, ông Thái nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Phú Phúc, nhà phân tích các vấn đề quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm làm báo ở Syria và Trung Đông, cho rằng, với vụ không kích vào căn cứ không quân của Syria, Tổng thống Trump muốn thể hiện ông ấy không giống người tiền nhiệm.

Ông ấy muốn thể hiện mình là người mạnh mẽ, nói là làm, muốn chứng tỏ với thế giới, trong đó có Nga, hiểu rằng ông ấy không nhún nhường, không “đi đêm” với Nga trong vấn đề Syria. Gần đây người ta nói rằng, ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ thân tình, quan hệ Mỹ - Nga được cải thiện thì vấn đề Syria có thể được cải thiện theo. Nhưng thực tế có thể không phải như thế.

Hồi năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama suýt tấn công Syria vì chuyện sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng với sự dàn xếp của Nga, ngòi nổ được tháo sau khi một lực lượng được đưa vào để chuyển vũ khí hóa học của Syria ra ngoài.

Nhưng mấy ngày gần đây có thông tin Tổng thống Syria Bashar-al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Trước đây, ông Trump chê ông Obama là nhu nhược, không đánh Syria khi nước này đã vượt qua lằn ranh đỏ. Nay Tổng thống Trump muốn khẳng định mình là người mạnh mẽ, cộng thêm việc ông ấy có thể muốn làm mất mặt ông Obama, ông Phúc nói.

Đánh giá về quan hệ Nga - Mỹ sau vụ không kích, ông Thái cho rằng, cuộc tấn công lần này của Mỹ càng đẩy Mỹ và Nga đi xa hơn trong vấn đề Syria. Mỗi bên sẽ tiếp tục hành động vì lợi ích của mình và càng khó hợp tác. Ban đầu, ông Trump có thái độ thân thiện với Nga. Nhưng gần đây, tình hình nội bộ của Mỹ rất phức tạp.

Quốc hội Mỹ đang có những cuộc điều tra khác nhau về việc ông Trump và ê-kíp của ông trong quá trình tranh cử đã có tiếp xúc với Nga, và điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để ủng hộ ông Trump.

Hiện nay, Nga là vấn đề nhạy cảm trong nội bộ Mỹ. Cuộc tấn công lần này gửi đi tín hiệu rất phức tạp. Một mặt, nó nhằm vào các đối tượng trong nước. Mặt khác, cũng để nói với Nga rằng, Nga không thể dung thứ những hành động như vậy nếu thực sự chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học, ông Thái nói.

TS. Thái nói rằng, có một vấn đề là Tổng thống Trump đã dựa trên chứng cứ nào để quy kết vụ tấn công bằng vũ khí hóa học là do Chính phủ Syria thực hiện. Không ai chứng minh được, còn Nga cho rằng Mỹ vội vã kết luận.

“Không rõ Mỹ dựa vào thông tin tình báo nào để thực hiện vụ tấn công. Tôi nghĩ có thể chính quyền Syria không dùng vũ khí hóa học mà có thể họ tấn công vào nơi có vũ khí hóa học do phe đối lập kiểm soát mà dẫn đến chuyện đó”, ông Thái nói.

Còn theo ông Phúc, sau vụ việc này, các nước lớn sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề Syria một cách ráo riết hơn, thực chất hơn, thay vì làm một cách câu giờ như từ trước đến nay.

“Dù gì Nga vẫn sẽ cần Mỹ vì quan hệ Nga - Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực, không dại gì mà Nga sẽ dập tắt những dấu hiệu đó để đưa hai nước quay lại thời băng giá như cuối nhiệm kỳ của ông Obama”, ông Phúc nói.

Mỹ lần đầu trực tiếp tấn công quân sự vào syria: Hàm ý của ông Trump ảnh 1

Tàu khu trục Mỹ USS Porter hôm qua phóng tên lửa Tomahawk. Ảnh: AP.

Nga trả đũa Mỹ

Đáp trả việc Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân của Syria, Nga hôm qua đình chỉ biên bản ghi nhớ ký với Mỹ về việc ngăn ngừa va chạm và bảo đảm an toàn bay khi hoạt động ở Syria, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn để thảo luận tình hình hiện tại.

Hôm qua, ông Dmitry Peskov, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, truyền đạt ý của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào căn cứ quân sự của Syria là một hành động hiếu chiến và làm tổn hại cả quan hệ Nga - Mỹ lẫn mục tiêu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ông Putin coi việc Mỹ bắn tên lửa là hành động vi phạm chủ quyền của một nước và vi phạm các quy tắc của luật quốc tế, dựa trên cái cớ là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, ông Peskov nói.

Nga khẳng định, các kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria đã bị loại bỏ hết và điều này được xác nhận bởi Tổ chức cấm các loại vũ khí hóa học - một đơn vị chuyên trách thuộc Liên Hợp Quốc.

“Không có gì phải nghi ngờ rằng, vụ tấn công quân sự của Mỹ là cách để phân tán sự chú ý khỏi Mosul (một thành phố của Iraq), nơi lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng và thảm họa nhân đạo đang ngày càng tồi tệ”, hãng tin Nga Tass dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Chính phủ Syria phủ nhận trách nhiệm trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Tổng thống Assad gọi vụ tấn công của Mỹ là một “sự hung hăng ngạo mạn và bất công”, chỉ khiến chính phủ của ông càng quyết tâm “đập tan” các nhóm quân sự ở Syria, hãng thông tấn nước này đưa tin.

Ít nhất 13 người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ, trong đó có 5 binh lính làm việc tại căn cứ và 8 thường dân ở quanh đó, ông Talal al-Barazi, tỉnh trưởng Homs, tuyên bố. Nhưng những con số này không thể kiểm chứng độc lập.

Các quan chức Mỹ nói rằng, vụ tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm là nhằm đáp trả một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thành phố Idlib thuộc miền bắc Syria vào đầu tuần này, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Nhưng giới chức Syria cho rằng, cuộc tấn công của Mỹ cản trở khả năng của họ trong cuộc chiến chống các nhóm vũ trang cực đoan.

Cuộc tấn công tên lửa được ông Trump cho phép đánh dấu bước leo thang quan trọng trong sự can dự của Mỹ vào Syria và mở rộng vai trò của Mỹ ra ngoài cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Các tên lửa của Mỹ được phóng vào căn cứ không quân Al-Shayrat ở Homs, tỉnh phía tây Syria, vào khoảng 3h40 sáng.

Theo phía Mỹ, máy bay quân đội Syria xuất phát từ căn cứ này trước khi thả chất độc thần kinh xuống thị trấn Khan Sheikhoun do phe đối lập kiểm soát. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành các cuộc không kích trên vùng lãnh thổ do các nhóm như IS kiểm soát.

Các nhóm đối lập với ông Assad, trong đó có nhiều người lâu nay kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, hoan nghênh vụ tấn công tên lửa và bày tỏ mong muốn ông Trump tiến xa hơn nữa.

Giá dầu, giá vàng tăng

Sau khi Mỹ tấn công quân sự vào Syria, giá dầu thô Mỹ tại châu Á tăng 2%, cao nhất một tháng qua. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng tăng mạnh, có lúc lên tới 1.267 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 11/2016. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu thô và giá vàng thế giới còn tăng nữa.

MỚI - NÓNG