Mỹ Latinh hủy bỏ quyết định khai trừ Cuba

Mỹ Latinh hủy bỏ quyết định khai trừ Cuba
TP - Cuba đang đứng trước cơ hội lớn để hội nhập trở lại với khu vực và vươn rộng ra thế giới sau khi Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) ngày 3/6 đồng thuận huỷ bỏ quyết định cách đây 47 năm nhằm khai trừ đảo quốc xinh đẹp ở vùng biển Caribê khỏi tổ chức này.
Mỹ Latinh hủy bỏ quyết định khai trừ Cuba ảnh 1
Cuba đứng trước cơ hội tái gia nhập OAS

Động thái trên được xem như một bước ngoặt kể từ thời chiến tranh lạnh và là tín hiệu mới nhất về khả năng chấm dứt việc cô lập Cuba suốt nửa thế kỷ qua trong một khu vực ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo cánh tả.

Ngay cả El Salvador, đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng vừa tái lập quan hệ với Cuba. Điều này có nghĩa mọi quốc gia châu Mỹ, ngoại trừ Mỹ, đã nối lại quan hệ với Havana.

Chưa có phản ứng chính thức nào từ lãnh đạo cấp cao Cuba sau sự kiện trên. Các quan chức Cuba trước đây luôn khẳng định nước này không quan tâm tới việc trở lại OAS vì cho rằng tổ chức này có 34 nước thành viên này bị Mỹ giật dây. Nguyên Chủ tịch Fidel Castro cũng vừa lên tiếng bác bỏ các điều kiện mà chính quyền Mỹ đặt ra cho Cuba.

Lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Cuba vì thế ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích từ chính các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh. Có mặt tại hội nghị của OAS, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục đặt điều kiện Cuba phải cải cách hơn nữa trong vấn đề dân chủ và nhân quyền trước khi hai nước có thể đối thoại và gia nhập trở lại OAS.

Tuy nhiên, trước sự đồng thuận của hết hết các thành viên trong OAS, Ngoại trưởng Clinton ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại hội nghị.

“Các nước thành viên (OAS) ngày nay cho thấy sự linh hoạt và cởi mở. Kết quả là chúng ta đạt được sự đồng thuận để tập trung vào tương lai thay cho quá khứ”, bà Clinton nói.

Ngoại trưởng Ecuador, Fander Falconi, xem đây là khoảnh khắc để Cuba tái hoà nhập với toàn châu Mỹ. Tổng Thư ký OAS Miguel Insulza cho biết sẵn sàng mở các kênh đối thoại với Cuba kể cả những điều kiện mà Mỹ đặt ra cho Cuba để nước này có thể tái gia nhập tổ chức.

Trong khi đó, Tổng thống Paraguay Fernando Lugo tuyên bố những gì làm được tại hội nghị OAS vẫn chưa đủ và chưa thể so sánh được với những gì Cuba phải gánh chịu trong 50 năm qua.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người luôn đi đầu trong phong trào kêu gọi ủng hộ Havana, tuyên bố đây là “thắng lợi vĩ đại”, nhưng bày tỏ mối quan ngại vì Mỹ tiếp tục đóng vai trò nổi bật trong OAS.

Mỹ hiện đóng góp tới 60 phần trăm nguồn tài chính cho OAS. Tổng thống Chavez đề xuất thành lập một tổ chức mới của các nước Mỹ Latinh và Caribe.

Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trương thay đổi chính sách với Cuba bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các quy định khắt khe trong việc chuyển ngoại tệ về Cuba và việc du lịch tới đảo quốc này.

Trước khi hội nghị OAS, bà Clinton cũng tiết lộ Mỹ và Cuba đồng ý tái khởi động đàm phán về vấn đề người di cư và dịch vụ thư tín trực tiếp đã bị gián đoạn trong nhiều thập kỷ.

MỚI - NÓNG