Mỹ lo bị tấn công vì công bố báo cáo tra tấn

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, chiến dịch giam giữ, thẩm vấn của CIA ảnh hưởng khoảng 100 nghi can khủng bố bị giam giữ bí mật bên ngoài nước Mỹ. Ảnh: NBC News
Dưới thời Tổng thống George W. Bush, chiến dịch giam giữ, thẩm vấn của CIA ảnh hưởng khoảng 100 nghi can khủng bố bị giam giữ bí mật bên ngoài nước Mỹ. Ảnh: NBC News
TP - Các đại sứ quán, đơn vị quân sự và những cơ sở khác của Mỹ khắp thế giới đang chuẩn bị đối phó việc bị tấn công, sau khi có báo cáo về việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tra tấn các nghi can khủng bố.

Báo cáo về sự tra tấn khốc liệt của CIA được công bố ngày 9/12. Báo cáo dài 480 trang của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ được cho là chứa những đồ họa chi tiết về cách thức CIA sử dụng “các kỹ thuật thẩm vấn tăng cường”, trong đó có trấn nước, dọa dẫm bằng máy khoan điện, đe dọa tấn công tình dục bằng cán chổi, đối với các đối tượng al-Qaeda tình nghi bị giam giữ trong mạng lưới nhà tù bí mật của Mỹ khắp thế giới. Phát biểu trên truyền hình hồi đầu năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi những kỹ thuật này chẳng khác gì là tra tấn.

Nhà Trắng lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố sau khi báo cáo được công bố. “Có một số dấu hiệu cho thấy việc công bố báo cáo có thể dẫn đến nguy cơ an ninh nhằm vào các cơ sở và cá nhân của Mỹ khắp thế giới”, AP dẫn lời Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest phát biểu hôm 8/12. “Chính quyền đã có những bước đi thận trọng để bảo đảm các biện pháp phòng ngừa an ninh thích hợp được thực hiện tại các cơ sở của Mỹ khắp thế giới”, Phát ngôn viên nói. Đại tá Steve Warren, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, phát biểu tương tự: “Việc công bố báo cáo này có thể gây ra bất ổn”. Do đó, các bộ chỉ huy đã được chỉ đạo thực hiện biện pháp bảo vệ. Phát ngôn viên Earnest nói dù Mỹ có thu hoạch được thông tin tình báo quan trọng thông qua thẩm vấn hay không, “Tổng thống tin rằng, việc sử dụng những biện pháp đó là không được phép, không phù hợp với các giá trị của chúng ta và không giúp chúng ta an toàn hơn”. 

Quyết định công bố báo cáo tóm tắt từ tài liệu 6.000 trang được soạn thảo suốt 3 năm dựa trên hơn 5 triệu tài liệu mật của CIA đã gây ra cuộc tranh cãi quyết liệt.

“Tôi nghĩ đây là ý tưởng khủng khiếp. Các đối tác nước ngoài nói với chúng tôi rằng, việc này sẽ gây ra bạo lực và chết chóc… Cộng đồng tình báo của Mỹ cũng khẳng định tương tự”, Reuters dẫn lời đảng viên Cộng hòa Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Nhà Trắng nói họ “ủng hộ mạnh mẽ” quyết định công bố báo cáo, nhằm làm sáng tỏ “những giá trị của nước Mỹ” và để bảo đảm “những điều như vậy không bao giờ lặp lại nữa”. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và chống tra tấn cho rằng, chính quyền Obama tìm cách lẩn tránh vấn đề, trì hoãn việc công bố để bảo vệ uy tín CIA và chính phủ. Tuần trước có thông tin cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trực tiếp đề nghị Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, bà Dianne Feinstein, cân nhắc lại quyết định công bố báo cáo. 

Báo cáo được công bố sau 4 năm đấu tranh giữa đảng viên Dân chủ Feinstein với CIA. Đầu năm nay, CIA bị buộc phải thừa nhận đã theo dõi cả Ủy ban Tình báo Thượng viện, gây ra sự phẫn nộ trong Quốc hội Mỹ. Việc công bố báo cáo còn bị trì hoãn thêm nhiều tháng vì bà Feinstein đấu tranh với CIA việc công bố bao nhiêu thông tin. Bà Feinstein cáo buộc cơ quan tình báo này tìm cách “che giấu những sự thật cốt lõi củng cố cho kết luận của báo cáo”. 

Tại một cuộc họp báo đầu năm nay, bà Feinstein nói rằng, báo cáo sẽ tiết lộ “những chi tiết khủng khiếp về chương trình của CIA mà không bao giờ nên tồn tại”. Gần đây, những người thuộc chính quyền Bush đã thực hiện chiến dịch phản công trên báo chí để bác bỏ kết luận của báo cáo. “Chúng ta may mắn đã có những người làm việc cật lực ở CIA để thay chúng ta phục vụ đất nước. Họ là những người yêu nước. Và dù báo cáo có nói gì, nếu nó làm giảm sự đóng góp của họ đối với đất nước chúng ta thì đó là sai trái”, ông Bush nói trong một bài phỏng vấn cuối tuần qua. 

“Tôi biết những giám đốc, phó giám đốc và rất nhiều người điều hành. Họ là những người tốt, thực sự tốt và đất nước chúng ta thực sự may mắn khi có họ”, ông Jose Rodriguez, cựu quan chức 31 năm phục vụ CIA và là người quản lý chương trình thẩm vấn, nói trong một bài xã luận trên báo Washington Post. Ông này cho rằng, việc nói các cuộc thẩm vấn không mang lại thông tin tình báo giá trị là một sự “dối trá trắng trợn”.

Theo nhiều quan chức Mỹ từng đọc báo cáo, tài liệu kết luận rằng, các biện pháp thẩm vấn khắc nghiệt không giúp thu được thông tin tình báo độc nhất và có giá trị cứu mạng người. Tài liệu khẳng định, CIA nói dối Nhà Trắng, Bộ Tư pháp và các ủy ban giám sát của Quốc hội về chương trình bí mật. 

MỚI - NÓNG