Mỹ mong sớm nối lại đàm phán phán 6 bên

Mỹ mong sớm nối lại đàm phán phán 6 bên
TPO - Hôm qua, Tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ được khôi phục càng sớm càng tốt, sau khi Bình Nhưỡng chấp nhận ngồi lại bàn thương thuyết sau một năm tẩy chay.
Mỹ mong sớm nối lại đàm phán phán 6 bên ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burn sẽ đi Đông Á xúc tiến đàm phán 6 bên (AP)

Tổng thống George Bush hy vọng cam kết của CHDCND Triều Tiên là "thành thật" và tuyên bố: "Chúng tôi muốn các cuộc đàm phán này thành công vì chúng tôi luôn tin tưởng có thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Thành công nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình và vũ khí hạt nhân của họ".

Trước đó, Washington cho biết sẽ cử hai quan chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao là các Thứ trưởng Nicholas Burns và Robert Joseph tới khu vực Đông Á để bàn về chiến lược đẩy nhanh việc nối lại cuộc đàm phán và đảm bảo nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc được thực thi đầy đủ.

Trong khi Mỹ muốn đàm phán 6 bên được nối lại trong thời gian sớm nhất thì một số nước như Trung Quốc muốn cuộc thương thuyết khai mạc vào cuối tháng này. Giới phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng đồng ý quay lại bàn đàm phán vì lo ngại các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là từ phía nhà viện trợ quan trọng nhất của họ là Trung Quốc.

Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên ngày 14/10, chỉ ít ngày sau khi nước này tiến hành thử vũ khí nguyên tử ngầm dưới lòng đất. Mỹ là nước ráo riết tìm cách để Liên Hợp Quốc phê chuẩn nghị quyết này và nay họ lại tích cực trong việc vận động các nước thực thi.

Vòng đàm phán 6 bên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản ra đời từ năm 2003, nhằm tìm giải pháp cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.

Tháng 9/2005, các bên từng đạt được bước đột phá khi nước này tuyên bố sẽ từ bỏ các hoạt động nguyên tử. Nhưng chỉ hai tháng sau, CHDCND Triều Tiên tẩy chay đàm phán để phản đối lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ.

MỚI - NÓNG