Mỹ phải giải trình việc tấn công IS tại Syria

Một tòa nhà ở tỉnh Idlib của Syria tan hoang sau khi bị máy bay Mỹ đánh bom. Ảnh: Daily Mail
Một tòa nhà ở tỉnh Idlib của Syria tan hoang sau khi bị máy bay Mỹ đánh bom. Ảnh: Daily Mail
TP - Tổng thống Mỹ tuyên bố tiếp tục tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng phải giải trình trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì cho không kích lãnh thổ Syria mà không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc, Quốc hội Mỹ hoặc đề nghị từ Syria. 

Dự kiến, trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nói về mối đe dọa nói chung đối với thế giới do các nhóm khủng bố như IS, Khorasan… gây ra. 

Trong bức thư gửi Tổng Thư ký LHQ, Mỹ viện dẫn Điều 51 trong Hiến chương LHQ để giải thích bối cảnh hành động của họ tại Syria, rằng đó là khi một đất nước không sẵn sàng hoặc không thể tự giải quyết mối đe dọa. CNN dẫn lời bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại LHQ: “Theo đó, Mỹ đã khởi đầu các hành động quân sự cần thiết và tương ứng tại Syria”. 

Chiến dịch của Mỹ tại Syria vấp phải sự chỉ trích của Iran và Nga, thậm chí ngay trong Quốc hội Mỹ và đảng của ông Obama. Nga lên án Mỹ xâm phạm không phận của một quốc gia có chủ quyền. 

Một số thành viên Quốc hội Mỹ cũng phàn nàn trước hành động này. Trong khi đó, lực lượng Mỹ hôm qua thực hiện thêm các vụ tấn công ở Syria nhằm vào IS ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhà hoạt động tại Syria, các cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Kobane của người Kurd, nơi bị các tay súng IS vây hãm nhiều ngày qua. 

Các nhân chứng nói rằng, họ nhìn thấy 2 máy bay quân sự bay từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ thông tin cho rằng không phận của họ đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Giới chức Mỹ hay bất kỳ nước nào thuộc liên minh chống IS đều không xác nhận chiến dịch này, BBC đưa tin. 

Đà chiến thắng của IS ở miền bắc Syria tạo ra một cuộc khủng hoảng tị nạn ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Các tổ chức nhân đạo ghi nhận 130.000 người Kurd tị nạn, phần lớn là từ Kobane, vượt qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần qua. Thổ Nhĩ Kỳ lúc đầu từ chối tham gia chiến dịch quân sự chống IS, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 23/9 phát tín hiệu có thể sẽ thay đổi chính sách. 

“Chúng tôi sẽ có hỗ trợ cần thiết cho chiến dịch, có thể về mặt quân sự hoặc hậu cần”, BBC dẫn lời Tổng thống Erdogan phát biểu tại New York, nơi ông đang tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ. Các nhà quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẵn lòng tham gia cùng Mỹ sau khi 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ được giải cứu khỏi các tay súng IS ở miền bắc Iraq.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đô đốc John Kirby, hôm 23/9 nói rằng, các cuộc tấn công của Mỹ ở Syria đã phá vỡ IS, nhưng chiến dịch này có thể kéo dài nhiều năm.

Cộng đồng người Hồi giáo ở Úc lo hứng hậu quả

Trước việc cộng đồng người Hồi giáo và các nhà thờ đạo Hồi có thể hứng chịu hậu quả trước mối lo ngại những phần tử IS tấn công khủng bố, lãnh đạo Hồi giáo ở Úc hôm qua kêu gọi mọi người kiềm chế. 

Luật sư Mariam Veiszadeh từ tổ chức Islamophobia Register nói với báo giới rằng, những ngày qua xảy ra việc đầu lợn bị treo lên cây thập tự, nhiều nhà thờ bị phá hoại, những thông điệp đe dọa bị phun lên tường nhà và ô tô. 

“Một số phụ nữ, đặc biệt là những người đội khăn trùm đầu, và trẻ em bị xúc phạm và đe dọa bằng lời nói”, bà Veiszadeh nói. Luật sư này cho biết, một bà mẹ ở khu tây Sydney và con đã bị nhổ nước bọt và bị đá vào xe nôi. Một người đàn ông ở Perth đã giật khăn trùm đầu của một phụ nữ.

Hôm 23/9, một thiếu niên Hồi giáo bị cảnh sát Melbourne bắn chết sau khi đâm hai sĩ quan. Vụ việc xảy ra chỉ 2 ngày sau khi chính quyền thực hiện cuộc truy quét ở Sydney và Brisbane để phá âm mưu bắt cóc và hành hình dân thường của các tay súng IS. 

Hôm qua, Quốc hội Úc đưa ra luật coi việc di chuyển tới các điểm nóng về khủng bố là tội hình sự và có thể bị phạt tới 10 năm tù giam. Thay đổi này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Úc lo ngại khi có khoảng 60 người Úc đã đến Iraq và Syria để tham gia lực lượng cực đoan, và có thể trở về nước để tấn công. 

Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua họp với các nghị sĩ để thảo luận vai trò của nước này trong các cuộc tấn công tiêu diệt IS. Ông Cameron nói rằng, một liên minh quốc tế là cần thiết để phá hủy IS, đây là cuộc chiến “mà bạn không thể lựa chọn khác được”. Chính phủ Hà Lan cũng đang cân nhắc hành động quân sự và tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 24/9 để thảo luận việc triển khai 4 máy bay chiến đấu F-16, BBC đưa tin.

Tổ chức quan sát nhân quyền Syria nói rằng, chiến dịch tấn công đầu tiên của Mỹ vào Syria đã tiêu diệt được đối tượng bị truy nã gắt gao nhất thế giới Muhsin al-Fadhli, kẻ được cho là cha đẻ của âm mưu dùng bom kem đánh răng để tấn công các hãng hàng không phương Tây vài năm trước. Đối tượng này lãnh đạo nhóm khủng bố Khorasan và từng sát cánh cùng trùm khủng bố Osama bin Laden. 

MỚI - NÓNG