Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở biển Đông

Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị các nước tiểu vùng Mê Kông với Mỹ
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị các nước tiểu vùng Mê Kông với Mỹ
TP - Tại cuộc họp báo chiều 23-7 ngay sau khi kết thúc Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và an ninh ở biển Đông”.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị các nước tiểu vùng Mê Kông với Mỹ
Ngoại trưởng Hillary Clinton tại hội nghị các nước tiểu vùng Mê Kông với Mỹ . Ảnh: Hồng Vĩnh

Bà Clinton cho biết, tại Hội nghị ASEAN-Mỹ hằng năm lần này, bà đã thảo luận với các đồng nghiệp về việc Mỹ tham dự một cách sâu sắc hơn với Đông Nam Á và những cơ hội phía trước trên nhiều lĩnh vực, từ mở rộng mậu dịch, đầu tư, hợp tác vì hòa bình và an ninh đến những nỗ lực chung nhằm đương đầu với những thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, buôn lậu ma túy, buôn người, phổ biến vũ khí...

Ngoại trưởng Mỹ nói: Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF-17), bà đã nhắc lại việc tại Hội nghị ARF lần trước tổ chức ở Thái Lan, Chính quyền Obama cam kết mang lại hòa bình và tiếp tục coi trọng châu Á. Lần này bà bày tỏ sự quan tâm của Mỹ đối với Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để thực hiện vai trò ngày càng tăng đối với những thách thức của thời đại.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Tổng thống Obama giao bà nhiệm vụ đại diện Mỹ tham dự Hội nghị EAS sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong năm nay để tiếp tục quá trình tham vấn giúp Mỹ trở thành thành viên đầy đủ của EAS vào năm 2011. Ngoại trưởng Clinton cho biết, Tổng thống Obama muốn tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN lần hai tại Mỹ vào mùa thu tới.

Bà Clinton nói rằng trong Hội nghị ARF ngày 23-7, bà và các đồng nghiệp đã thảo luận về nhiều thách thức khẩn cấp. Bà tranh thủ cơ hội này để đưa ra lập trường của Chính phủ Mỹ về các vấn đề liên quan đến an ninh và thịnh vượng trong khu vực biển Đông.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng cũng như bất cứ quốc gia nào khác, Mỹ có lợi ích trong tự do hàng hải theo luật quốc tế ở biển Đông. Mỹ chia sẻ lợi ích này không chỉ với các nước ASEAN hoặc với các thành viên ARF mà cả với tất cả những quốc gia trên thế giới. Mỹ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ thông qua các tiến trình ngoại giao với sự hợp tác của các bên, không ủng hộ việc dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Mỹ tin rằng các bên cần tìm ra giải pháp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố hợp pháp về hàng hải ở biển Đông.

Mỹ ủng hộ Tuyên bố về Cách ứng xử giữa các bên liên quan ở biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002. Mỹ khuyến khích các nước liên quan đạt được một bộ luật đầy đủ về ứng xử giữa các bên liên quan ở biển Đông (COC).

Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện đưa ra sáng kiến, các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên, phù hợp với tinh thần của DOC vì lợi ích của các bên liên quan và của cộng đồng quốc tế.

Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết vấn đề biển Đông được đưa ra thế nào tại ARF, bà Clinton nói: Các bên tham gia đã nêu vấn đề biển Đông và những vấn đề giao thông hàng hải, tranh chấp lãnh thổ. Nhìn vào bản đồ khu vực, sẽ thấy có nhiều nước đang tăng cường giao thương qua đường biển.

Cả 12 nước tham dự trong đó có Mỹ đã nêu vấn đề làm sao áp dụng các nguyên tắc đã đạt được giữa các nước ASEAN, những luật pháp và qui định quốc tế hiện hành và làm gì để các bên cùng chia sẻ hiện trạng chung. Theo bà Clinton, đó là cuộc thảo luận có kết quả.

MỚI - NÓNG