Mỹ quyết không rút khỏi Biển Đen bất chấp cảnh báo của Nga

Tàu khu trục USS Porter của Hải quân Mỹ từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ qua eo biển Bosphorus tiến vào Biển Đen hôm 6/6. Ảnh: Reuters.
Tàu khu trục USS Porter của Hải quân Mỹ từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ qua eo biển Bosphorus tiến vào Biển Đen hôm 6/6. Ảnh: Reuters.
Tư lệnh Hải quân Mỹ ngày 16/6 khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự của nước này ở Biển Đen, bất chấp việc Nga trước đó từng cảnh báo về nguy cơ gây mất ổn định an ninh khu vực từ động thái này của Washington.

“Chúng tôi (Mỹ) sẽ hiện diện ở đó (Biển Đen). Chúng tôi sẽ tiến hành công tác ngăn chặn. Đó là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây, mục đích nhằm ngăn chặn những xung đột có thể xảy ra”, ông Ray Mabus, Tư lệnh Hải quân Mỹ phát biểu khi đang ở trên tàu khu trục USS Mason của Mỹ ở Địa Trung Hải hôm 16/6.

Cũng theo ông Mabus, các hoạt động của Mỹ tại Biển Đen là nhằm ngăn chặn xung đột cũng như đảm bảo cho các tuyến hàng hải luôn được lưu thông.

Trên thực tế, tàu khu trục USS Porter của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen từ đầu tháng 6 và đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cũng được cho là sẽ thúc đẩy sự hiện diện lớn hơn của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở Biển Đen, theo nội dung của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng tới.

Phát biểu của ông Mabus được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nga chỉ trích NATO về những cuộc thảo luận nhằm thiết lập một lực lượng thường trực ở Biển Đen.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Andrei Kelin, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết: “Nếu quyết định thành lập một lực lượng thường trực ở Biển Đen được thực hiện, nó sẽ gây mất ổn định khu vực vì đây không phải là vùng biển của NATO”.

Mối quan hệ giữa Mỹ, NATO và Nga luôn ở trong trạng thái căng thẳng từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của nước này năm 2014. Nga cũng có Hạm đội Biển Đen đóng quân ở Sevastopol.

Mâu thuẫn giữa NATO và Nga tiếp tục tăng cao thời gian gần đây khi Nga dần khẳng định vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria. Mặc dù Moscow luôn phủ nhận vai trò của mình trong các cuộc khủng hoảng đó nhưng NATO vẫn xem Nga là một mối đe dọa và tìm cách kiềm chế Moscow.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG