Mỹ sẵn sàng tái đàm phán với Triều Tiên

Quân Mỹ đồn trú tại khu vực gần biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên. ảnh: Business Insider
Quân Mỹ đồn trú tại khu vực gần biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên. ảnh: Business Insider
TP - Mỹ nói đã sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cam kết phá bỏ các cơ sở tên lửa chủ chốt và đề nghị sẽ đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu Washington có các bước đi tương thích.

Reuters tường thuật rằng, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông đã đề nghị ngoại trưởng Triều Tiên gặp gỡ tại New York vào tuần tới với chủ đề hoàn tất chương trình phi hạt nhân hóa vào tháng 1/2021, sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng vừa qua.

Triều Tiên đã cam kết sẽ cho phép các chuyên gia từ “các nước quan tâm” tới chứng kiến việc đóng cửa khu thử nghiệm động cơ và bãi phóng thử tên lửa tại thị trấn Tongchang-ri. Họ cũng sẽ đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nếu Mỹ có các hành động “tương thích”.

Đây là những diễn tiến đầy bất ngờ sau nhiều tuần quan hệ Mỹ -Triều bị phủ bóng nghi ngại, khi chính quyền của tổng thống Donald Trump  cho rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng cho việc phi hạt nhân hóa, chưa “thực tâm” với các cam kết của họ trước đó tại thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 6.

Cho đến nay, thời điểm tháng 1/2021 là “deadline” cụ thể nhất được đưa ra,  sau một thời gian dài Mỹ và một số bên liên quan đàm phán với Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vốn đe dọa các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay bản thân nước Mỹ.

Ngoài việc mời ngoại trưởng Triều Tiên  Ri Yong-ho hội đàm khi cả hai cùng tham dự một sự kiện của Liên Hợp Quốc, ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói Washington cũng đã mời đại diện Triều Tiên hội đàm với đại diện đặc biệt của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên, Stephen Biegun, tại Áo vào “thời điểm gần nhất”.

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, nói họ hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ hiệp ước mà hai miền Triều Tiên vừa đạt được.

“Chúng tôi hoàn toàn không để cơ hội hòa bình hiếm hoi này vuột mất thêm một lần nữa”, nhà ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc là Dương Khiết Trì nói trong một văn bản.

Hoài nghi

Mặc dù đã có những thông tin đầy tích cực, một số quan chức Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi. Phát biểu trước khi ông Pompeo loan báo động thái tiếp theo của Mỹ, hai quan chức kỳ cựu liên quan đến chính sách của Washington về Triều Tiên tỏ ra nghi ngại rằng ông Kim Jong-un đang cố gắng chia rẽ Mỹ và Hàn Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, hai miền Triều Tiên  đồng ý tái khởi động các hợp tác kinh tế, nối lại đường sắt, đường bộ.  Họ cũng đồng thuận mở lại một khu công nghiệp ở thành phố biên giới Kaesong, mở các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương ở Triều Tiên, khi có đủ điều kiện.

Các quan chức Mỹ hoài nghi cho rằng có thể ông Kim đang cố gắng giảm sức ép về kinh tế mà ông đang phải chịu đựng và vì thế cần kìm lại chương trình hạt nhân. Việc thứ hai là cải thiện quan hệ với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giảm bớt quân Mỹ đồn trú tại đây. Cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì 28.500 quân tại Hàn Quốc nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng từ lâu muốn Mỹ rút quân, gần đây ông Trump đã đặt vấn đề xem lại số lượng binh lực đồn trú tại Hàn Quốc cũng như các phí tổn cho việc này.

Và ngay cả khi Triều Tiên  đóng cửa khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, một số chuyên gia vẫn tin rằng họ còn có các cơ sở hạt nhân bí mật khác.

Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu tại Hàn Quốc hôm qua nói họ sẽ xét xét “tổng thể” và “chi tiết” các thỏa thuận quân sự mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua, theo Yonhap. Tuyên bố này xuất hiện trong lúc có những bản tin nói rằng thỏa thuận giữa đôi bên, bao gồm giảm bớt một số trạm kiểm soát trên biên giới, thiết lập vùng đệm trên mặt đất, trên không và trên biển, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của quân đội Mỹ tại đây.

“Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc tiếp tục cam kết đảm bảo thực thi Thỏa thuận ngừng bắn của Liên Hợp Quốc năm 1953 và nỗ lực nhằm giảm căng thẳng quân sự”, UNC nói trong một văn bản.

MỚI - NÓNG