Mỹ sẽ “khó gặm” không quân Iran

Mỹ sẽ “khó gặm” không quân Iran
TP - Gần đây, trong bối cảnh Mỹ không ngừng đe dọa tấn công Iran, Bộ chỉ huy chính trị - quân sự ở Teheran đang nỗ lực thể hiện khả năng sẵn sàng đối phó với nguy cơ một cuộc chiến tranh công nghệ cao từ phía Washington. Và lực lượng giữa hai bên đang ở thế “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”.
Mỹ sẽ “khó gặm” không quân Iran ảnh 1
Máy bay Azaraksh (Tia chớp) do Iran chế tạo.

Theo quan niệm của các chỉ huy quân sự của Iran, nếu vũ khí trang bị do nước ngoài sản xuất chiếm tỷ lệ chủ yếu trong trang bị của quân đội một quốc gia nào đó thì họ sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ bên ngoài và không thể độc lập quyết định nên tiếp tục chiến đấu hay chấm dứt chiến sự.

Ngoài ra, kinh nghiệm các cuộc xung đột ở Trung Đông vừa qua và cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq chứng tỏ, các chiến dịch trên bộ chỉ có thể giành thắng lợi với sự hỗ trợ tích cực của không quân. Các cuộc tiến công từ trên không sẽ nhanh chóng thay đổi tương quan lực lượng của hai bên và làm tiêu hao đáng kể tiềm lực kinh tế của đối phương.

Do đó, từ lâu, Bộ chỉ huy quân sự Iran đã có chiến lược tự chế tạo máy bay quân sự và tên lửa và họ đã giành được kết quả đầy ấn tượng. Hiện nay, Iran là một trong số ít nước trên thế giới hoàn toàn có khả năng tự chế tạo máy bay và tên lửa mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. Đây thực sự là một lời cảnh báo không thể xem thường đối với Mỹ.

Vừa qua, Iran đã thử nghiệm máy bay chiến đấu do họ tự chế tạo và sắp tới sẽ đưa vào trang bị. Điển hình là các máy bay chiến đấu Azaraksh (Tia chớp), và Saege (Đòn sấm sét) vừa thực hiện bay luyện tập chiến đấu từ căn cứ không quân Mehrabad ở ngoại ô thủ đô Teheran trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng và các sỹ quan cao cấp trong quân đội Iran.

Chính những máy bay này sau đó được bay trình diễn vào ngày 22/9 tại cuộc duyệt binh kỷ niệm cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq (1980-1988). Các máy bay chiến đấu của Iran được chế tạo trên cơ sở kế thừa công nghệ phát triển máy bay F-5E Tiger của Mỹ đã từng được đưa vào trang bị cho không quân Iran trong những năm quan hệ Mỹ - Iran còn chưa rạn nứt.

Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự do Iran, những máy bay do họ tự chế tạo có tính năng vượt trội so với các máy bay chiến đấu F-16 và F/A-18 của Mỹ.

Hiện nay, trong trang bị của không quân Iran có khoảng 220-240 máy bay chiến đấu, trong đó có khoảng 40 máy bay tiêm kích MIG-29 và 30 máy bay ném bom SU-24 mua của Nga từ những năm 1990; khoảng 20-25 máy bay tiêm kích đánh chặn F-14A Tomcat, 60 máy bay tiêm kích F-5E, 32 máy bay tiêm kích F-4E Phantom-II mua của Mỹ trước đây; 30 máy bay tiêm kích J-7 mua của Trung Quốc (chế tạo phỏng theo máy bay MIG-21 của Nga).

Iran đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu siêu âm Shafagh. Trong trang bị của quân đội Iran còn có 100 trực thăng chiến đấu AH-1J Cobra và hiện nay họ đang tự chế tạo trực thăng chiến đấu dựa trên cơ sở công nghệ phát triển trực thăng Bell-205 và Bell-206 của Mỹ.

Iran còn tập trung nghiên cứu các giải pháp đối phó với cuộc tiến công quân sự của Israel. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, không loại trừ khả năng Israel sẽ tiến công các mục tiêu hạt nhân của Iran.

Bằng chứng là gần đây nhất, không quân Israel đã tập dượt tiến hành không kích vào các mục tiêu của Syri, nơi họ nghi ngờ đang triển khai các công trình nghiên cứu hạt nhân. Diễn biến các sự kiện gần đây chứng tỏ, Israel đang sẵn sàng tiến công  Iran và Syri theo lệnh của Mỹ.

Theo tin gần đây nhất của báo Mỹ Washington Post dẫn lời các cơ quan tình báo, trước khi xâm phạm vùng trời của Syri, Israel đã được Mỹ cung cấp thông tin tình báo, trong đó có các bức ảnh chụp từ vệ tinh, chứng tỏ “Syri đang phát triển vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của CHDCND Triều Tiên”.

Tuy nhiên, Damask và Bình Nhưỡng đều kiên quyết bác bỏ những thông tin đó. Còn Teheran tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ quân sự cho Syri trong cuộc đối đầu với Israel.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, với tiềm lực không quân như hiện nay của Iran, cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, nếu xẩy ra nay mai, sẽ dẫn đến kết cục không mấy sáng sủa đối với Mỹ.

MỚI - NÓNG