Mỹ sẽ tăng hiện diện quân sự ở châu Á

Mỹ sẽ tăng hiện diện quân sự ở châu Á
TP - Mỹ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua các liên minh, mà không lập thêm căn cứ quân sự thường trực ở khu vực này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo hôm qua.

> Hai hướng phát triển quân sự Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) trò chuyện với người đồng cấp Úc Stephen Smith tại Đối thoại Shangri-La 11 ở Singapore hôm 1-6. Ảnh: Roslan Rahman
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) trò chuyện với người đồng cấp Úc Stephen Smith tại Đối thoại Shangri-La 11 ở Singapore hôm 1-6. Ảnh: Roslan Rahman.

Chiến lược mới với trọng tâm ở châu Á sẽ đưa thêm quân và vũ khí công nghệ cao tới khu vực trong thập kỷ tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên khi ông trên đường tới Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Shangri-La) tại Singapore từ ngày 1 đến 3-6.

Kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á và những vùng khác sẽ được hiện thực hóa bằng cách cộng tác với các đồng minh và đối tác, ông cho biết.

“Chúng ta đang thực hiện một chiến lược rất mới ở khu vực này. Chúng ta đang bỏ qua chiến lược Chiến tranh Lạnh, tức là xây dựng các căn cứ thường trực và về cơ bản, chỉ áp đặt quyền lực lên khu vực”, ông Panetta nói.

Thay vì thành lập những căn cứ lớn, các lực lượng quân sự Mỹ, bao gồm tàu hải quân, máy bay và bộ binh, sẽ triển khai những nhiệm vụ tạm thời liên quan tập trận chung, đào tạo, thực hiện chiến dịch với các nước đối tác cho phép tiếp cận hải cảng, sân bay và những cơ sở hạ tầng khác.

Tàu hải quân, máy bay và bộ binh Mỹ sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ tạm thời ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PA
Tàu hải quân, máy bay và bộ binh Mỹ sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ tạm thời ở châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: PA.

“Chúng ta đang hướng tới một mối quan hệ rất sáng tạo, theo đó, chúng ta đẩy mạnh việc triển khai quân sự theo kiểu luân chuyển”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói trong một chiếc máy bay quân sự Mỹ.

Trong bối cảnh Mỹ đang phải vật lộn với sức ép ngân sách, cách tiếp cận mới ít tốn kém hơn việc lập các căn cứ thường trực và tạo ra ít hơn sự chống đối chính trị ở những nước đối tác.

Ông Panetta nêu ví dụ Mỹ sẽ triển khai tới 2.500 lính thủy đánh bộ ở miền bắc nước Úc, theo một thỏa thuận mới giữa hai nước. “Chúng ta đang thử nghiệm cách tiếp cận mới ở Úc. Chúng ta đang làm việc để phát triển phương cách tương tự ở Philippines và những nơi khác”, ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng ta hiện có sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực Thái Bình Dương, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện này trong 5-10 năm tới”.

Nhận thấy tầm quan trọng kinh tế của khu vực tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 2 tuyên bố chuyển trọng tâm sang châu Á - một động thái được coi là đối trọng của sức mạnh quân sự, kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương sẽ được tăng cường thêm nhờ các khoản đầu tư vào công nghệ mới, ông Panetta nói. Lo ngại năng lực chiến tranh mạng và hỏa tiễn chống hạm của Trung Quốc, Lầu Năm Góc đang chế tạo những loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định việc Washington chuyển trọng tâm sang châu Á không nhằm mục đích cản trở ảnh hưởng của Bắc Kinh. “Điều này không phải là về ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc”, ông nói.

Theo kế hoạch, ngày 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu về chiến lược coi trọng châu Á của Washington tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh bộ trưởng quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức.

Thái An
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG