Mỹ tăng sức ép quân sự với Trung Quốc khi căng thẳng leo thang trên biển Đông

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đi qua Thái Bình Dương hồi tháng 1. Ảnh: US Navy.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đi qua Thái Bình Dương hồi tháng 1. Ảnh: US Navy.
TPO - Mỹ đang gia tăng sức ép quân sự với Trung Quốc trong bối cảnh leo thang trên biển Đông và cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực, CNN đưa tin ngày 14/5.

Mấy tuần vừa qua, tàu hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ có nhiều hoạt động nhằm gửi thông điệp công khai rằng, quân đội Mỹ có ý định duy trì sự hiện diện trong khu vực và trấn an các đồng minh.

Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, ưu tiên số một hiện nay là đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang bị COVID-19 tấn công quay trở lại vùng biển khu vực, sớm nhất là vào cuối tháng này.

Động thái quân sự của Mỹ diễn ra khi Mỹ tăng sức ép ngoại giao với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo công khai chỉ trích Trung Quốc thất bại trong việc kiềm chế virus lây lan và không minh bạch trong giai đoạn đầu đại dịch bùng phát ở nước này.

Tuyên bố bất ngờ của hạm đội Thái Bình Dương

Lầu Năm Góc buộc tội Trung Quốc lợi dụng đại dịch để đạt lợi thế quân sự và kinh tế bằng cách mở rộng khu vực hoạt động.

“Trung Quốc đang cố sử dụng trọng tâm khu vực về COVID-19 để quyết liệt thúc đẩy các lợi ích riêng của họ”, đại tá hải quân Michael Kafka, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, nói với CNN hôm thứ Tư.

Lầu Năm Góc nói rằng, đại dịch toàn cầu COVID-19 không làm tổn hại năng lực của họ, không ảnh hưởng khả năng phản ứng của quân đội Mỹ với các hành động của Trung Quốc.

“Chúng ta có đủ năng lực để bắn tầm xa tới bất kỳ nơi đâu vào bất kỳ lúc nào và có thể tung ra hỏa lực áp đảo, ngay cả trong đại dịch”, tướng Timothy Ray, tư lệnh Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ (cơ quan giám sát lực lượng máy bay ném bom trong khu vực), nói.

Hôm thứ Tư, hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ có một bước đi bất thường là tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm của họ trong khu vực đang thực hiện các chiến dịch “ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch do coronavirus gây ra”.

Trong khi quân đội Mỹ gần đây chấm dứt “sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom” trên đảo Guam ở Thái Bình Dương (chấm dứt lần đầu tiên kể từ năm 2004), Không quân Mỹ tiếp tục cử máy bay ném bom tới khu vực.

Những tuần gần đây, Mỹ điều máy bay ném bom B-1 từ các căn cứ ở Mỹ tới khu vực trong ba dịp riêng biệt, bao gồm một chiến dịch trên biển Đông và việc triển khai 4 máy bay B-1 và 200 quân nhân từ căn cứ không quân Dyess ở bang Texas tới Guam.

Cuối tháng trước, Hải quân Mỹ cũng thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Từ lâu Mỹ đã biết rằng, Trung Quốc sử dụng các đảo mà họ chiếm đóng trái pháp luật ở Hoàng Sa, các đảo nhân tạo họ xây dựng trái phép ở Trường Sa để trữ vũ khí khí tài.

Không ai cho rằng, Mỹ đang tiến tới xung đột với Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tiếp tục coi “mài mòn” Bắc Kinh là một ưu tiên.

“Chúng tôi quan ngại trước các hành động cơ hội ngày càng gia tăng của Trung Quốc hòng ép buộc các nước láng giềng của họ và thúc đẩy các yêu sách về chủ quyền biển trái pháp luật ở biển Đông, trong khi khu vực và thế giới tập trung xử lý đại dịch COVID-19”, người phát ngôn Lầu Năm Góc, trung tá Dave Eastburn, nói với CNN.  

Trung Quốc từ lâu coi các hành động của Mỹ và quân đội nước này ở biển Đông là khiêu khích, China Daily đưa tin. Người phát ngôn quân đội Trung Quốc và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này thường nói rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế.

Mỹ tăng sức ép quân sự với Trung Quốc khi căng thẳng leo thang trên biển Đông ảnh 1 Một máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ. Ảnh: Almasdar News.

Bắt nạt láng giềng

Biển Đông được coi là vùng biển chiến lược, nơi có những tuyến đường biển thuộc hàng nhộn nhịp nhất thế giới, có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn như dầu khí. Thực hiện kế hoạch độc chiếm vùng biển chiến lược này, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các tiền đồn trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, lắp đặt các cơ sở quân sự, tên lửa trên đó, các quan chức Mỹ nói.

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải toàn cầu. Theo đó, tàu hải quân Mỹ thách thức các yêu sách biển quá đáng, trong đó có yêu sách ở biển Đông, một cách an toàn và chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng thực hiện các chuyến quá cảnh định kỳ qua eo biển Đài Loan để tăng cường thể hiện rằng, Mỹ sẽ bay, hải hành và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, ông Kafka nói.

Hôm thứ Tư, USS McCampbell, tàu khu trục tên lửa dẫn hướng của Hải quân Mỹ, đi qua eo biển Đài Loan. “Việc con tàu này đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ông Anthony Junco, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, nói với CNN.

Mỹ định kỳ cho tàu đi qua eo biển Đài Loan nhưng quân đội Trung Quốc coi tuyến đường biển chiến lược giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan là một khu vực ưu tiên và thường cho tàu bám theo tàu Mỹ.

Trung Quốc thường xuyên phản đối các hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực và thường cử tàu hoặc máy bay đeo bám tàu Mỹ. Sau đợt tuần tra tự do hàng hải của Mỹ cuối tháng trước nhằm thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Mỹ có “những hành động khiêu khích” và những hành động này “có thể dễ dàng gây ra sự cố bất ngờ”, South China Morning Post dẫn lời ông Li Huamin, người phát ngôn của Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc.

Mỹ nói rằng, Trung Quốc cố dọa nạt các nước khác trong khu vực. Hồi giữa tháng 4, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với 10 tàu hải cảnh và dân quân biển tới vùng biển gần Malaysia, hai quan chức quốc phòng Mỹ nói. Động thái này rõ ràng nhằm dọa nạt Petronas - công ty dầu khí của Malaysia triển khai tàu West Capella (mang cờ Panama) để thăm dò dầu mỏ.

Sử dụng đội tàu do tàu khảo sát dẫn đầu để quấy rối các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là một chiến lược lâu dài, có hiệu quả của Trung Quốc, và Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật tương tự để chống lại Việt Nam, một quan chức quốc phòng Mỹ nói.

“Trung Quốc phải chấm dứt bắt nạt các nước Đông Nam Á trong vấn đề dầu khí ngoài khơi, gas và ngư nghiệp”, đô đốc John Aquilino, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố.

Mỹ tăng sức ép quân sự với Trung Quốc khi căng thẳng leo thang trên biển Đông ảnh 2 Tàu hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông. Ảnh: PLA Daily.
MỚI - NÓNG