Mỹ thông qua chính sách mới về vũ trụ

Mỹ thông qua chính sách mới về vũ trụ
Tổng thống Bush vừa phê chuẩn một chính sách mới nhằm bảo vệ lợi ích Mỹ trong không gian và từ chối sự tiếp cận của đối thủ vì mục đích thù địch.

Văn bản cho biết ''với nước Mỹ, tự do hành động trong vũ trụ cũng quan trọng như sức mạnh không quân và hải quân''.

Chính sách mới của Mỹ bác bỏ các đề xuất cấm vũ khí không gian. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho hay, chính sách này không kêu gọi phát triển hoặc triển khai vũ khí trong vũ trụ.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia quân sự cảnh báo rằng bằng việc từ chối tham gia bất cứ một cuộc đàm phán về vũ khí không gian, Mỹ khiến cộng đồng quốc tế nghĩ rằng nước này đang phát triển loại vũ khí như vậy.

Hồ sơ chiến lược dài 10 trang ghi rõ an ninh quốc gia Mỹ ''phụ thuộc nhiều vào khả năng vũ trụ và sự độc lập này sẽ tăng lên''. ''Mỹ sẽ bảo vệ quyền, khả năng và tự do hành động trong vũ trụ....và nếu cần thiết, chối bỏ những đối phương muốn dùng các biện pháp thù địch nhằm vào lợi ích quốc gia Mỹ''.

Chính sách mới về không gian của Mỹ vạch ra các tham vọng về thương mại của nước này. Washington cam kết thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về vũ trụ phát triển. 

Đây là lần sửa đổi đầu tiên về chính sách không gian của Mỹ trong vòng 10 năm, phóng viên BBC tại Washington cho hay. Văn bản này giải quyết những lo ngại mà báo cáo của Lầu Năm Góc nêu ra hồi năm 2001, theo đó, công nghệ hiện đại sẽ cho phép các kẻ thù của Mỹ chặn đường bay vệ tinh của Mỹ.

Theo bản chi tiết về chính sách mới được công bố trên Internet, Mỹ coi khả năng về không gian, gồm do thám và các vệ tinh truyền thông, là cần thiết với an ninh quốc gia. Tổng thống Bush đã thông qua chính sách trên từ tháng 8 song tới tận tháng 10 mới được công bố.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Tổng thống Ronald Reagan đã đề xuất thiết lập một lá chắn quốc phòng bằng tia laze hoặc dùng công nghệ chùm phân tử để chặn và hủy diệt tên lửa hạt nhân đang lao tới. Sáng kiến quốc phòng chiến lược hay còn gọi là chương trình Chiến tranh các vì sao đã bị hủy bỏ từ năm 1993.

Theo Hoài Linh
VietnamNet/BBC

MỚI - NÓNG