Mỹ thừa nhận theo dõi người nước ngoài qua mạng

Mỹ thừa nhận theo dõi người nước ngoài qua mạng
TP - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper hôm qua thừa nhận, Mỹ đang theo dõi nhiều người nước ngoài thông qua Facebook, Google, Skype, YouTube…

> Mỹ tố Trung Quốc dựa vào hacker để phát triển vũ khí
> Trung Quốc phải thôi trò gián điệp mạng

Verizon, một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất ở Mỹ, đang phải nộp dữ liệu cuộc gọi của người dân. cho chính phủ Mỹ Ảnh: Getty Images
Verizon, một trong những nhà cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất ở Mỹ, đang phải nộp dữ liệu cuộc gọi của người dân. cho chính phủ Mỹ Ảnh: Getty Images.

Ông cũng nói rằng, việc rò rỉ chi tiết chương trình giám sát dữ liệu gọi điện thoại của hàng triệu dân Mỹ có thể gây tác hại lâu dài, không thể cứu vãn đối với nỗ lực chống khủng bố.

Trong vòng 24 giờ sau khi thông tin về chương trình theo dõi điện thoại bị tiết lộ, ông Clapper đưa ra thông báo bất thường nhằm giải mật một phần và lý giải tính pháp lý của chương trình, rằng dữ liệu được thu thập nhưng chỉ được sử dụng khi nghi ngờ có cơ sở.

Ông Clapper cáo buộc báo The Guardian gây ra hiểu nhầm về cách hoạt động của chương trình, nói rằng việc giải mật một phần chương trình để người dân Mỹ hiểu “giới hạn của chương trình chống khủng bố và những nguyên tắc mà chính phủ thực hiện”.

Ông khẳng định chương trình tuân thủ Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài và chỉ nhằm vào “những cá nhân không phải người Mỹ” đang sống ngoài lãnh thổ Mỹ.

Dữ liệu mà Verizon phải cung cấp bao gồm thời gian và địa điểm của từng cuộc gọi, nhưng không có chi tiết nội dung cuộc gọi. Vẫn chưa rõ liệu chính phủ Mỹ có yêu cầu các hãng viễn thông khác phải làm tương tự hay không. Ông Clapper nói rằng, chương trình này là nhằm “ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố và duy trì an ninh, bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự”.

Thông báo của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia cho thấy, chính phủ Mỹ lo lắng về hàng loạt vụ rò rỉ thông tin làm lộ ra mạng lưới giám sát ngầm rộng lớn.

Ngày 6/6, The Guardian công bố trát mật của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài cho phép chính phủ Mỹ yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ điện thoại Verizon nộp dữ liệu về mọi cuộc gọi của khách hàng trong hệ thống của hãng. Thông tin này khiến chính quyền Barack Obama vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ những người ủng hộ tự do dân sự.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ngăn chặn được một vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ “trong vài năm qua”, nhưng nói rằng không thể cung cấp chi tiết vì đó là thông tin mật.

Ông James Clapper thừa nhận nước Mỹ đang theo dõi người nước ngoài thông qua cơ sở dữ liệu của các hãng công nghệ. Ảnh: Telegraph
Ông James Clapper thừa nhận nước Mỹ đang theo dõi người nước ngoài thông qua cơ sở dữ liệu của các hãng công nghệ. Ảnh: Telegraph.

Ông Clapper khẳng định, các nghị sĩ Mỹ nhiều lần được thông báo đầy đủ về chương trình thu thập dữ liệu cuộc gọi và cả ba nhánh quyền lực của chính phủ Mỹ đều đã cho phép thực hiện. Theo ông Clapper, việc rò rỉ thông tin về chương trình sẽ tác động cách hành động của kẻ thù của Mỹ và khiến nước này khó nắm bắt mưu đồ của chúng hơn.

Vết xe đổ

Một chương trình bí mật khác cũng vừa bị đưa ra ánh sáng. Báo The Washington PostThe Guardian nói rằng, NSA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập máy chủ của các công ty mạng để thu thập audio, video, email và các tài liệu khác, nhằm theo dõi hoạt động và liên lạc của người sử dụng. Microsoft, Yahoo, Google, Facebook Paltalk, AOL, Skype, YouTube và Apple đều nằm trong diện này.

Ông Clapper thừa nhận chính phủ Mỹ đang truy cập máy chủ của nhiều công ty công nghệ, nhưng cáo buộc các bài báo trên “chứa quá nhiều thông tin không chính xác”, tuy không nêu cụ thể thông tin nào là không chính xác.

Vụ việc khiến nhiều người nghĩ rằng, Tổng thống Barack Obama (người luôn lên tiếng ủng hộ việc bảo vệ quyền riêng tư cho mọi người khi còn là thượng nghị sĩ) có thể sẽ theo chân cựu Tổng thống George W. Bush, dù trước đó ông Obama tuyên bố không ủng hộ cách làm của người tiền nhiệm trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.

Những sự việc này xuất hiện trong thời điểm không thuận lợi đối với Tổng thống Obama, khi ông đang vấp phải nhiều chỉ trích quanh vụ bê bối sai trái của cơ quan thuế IRS, vụ thu thập số liệu điện thoại của các nhà báo, và vụ bê bối thông tin quanh vụ tấn công khủng bố ở Libya khiến bốn người Mỹ thiệt mạng.

Theo nhiều nhà phân tích, những vấn đề này khiến Tổng thống Obama không thể tập trung giải quyết các vấn đề lớn như cải cách nhập cư và thuế, đồng thời có khả năng làm suy giảm lòng tin của người dân đối với ông.

Trúc Quỳnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.