Mỹ tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc

Trung Quốc đang sở hữu khoảng 60 tàu ngầm, nhưng bị chê là gây tiếng ồn lớn nên dễ bị phát hiện. Ảnh: Wired
Trung Quốc đang sở hữu khoảng 60 tàu ngầm, nhưng bị chê là gây tiếng ồn lớn nên dễ bị phát hiện. Ảnh: Wired
TP - Tổng thống Mỹ gần đây thông báo với Quốc hội nước này về kế hoạch gia hạn thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc để cho phép Bắc Kinh mua thêm các lò phản ứng hạt nhân và công nghệ làm mát lò phản ứng. Giới chuyên gia cho rằng, kế hoạch này có thể giúp các tàu ngầm Trung Quốc bớt ồn hơn, nhờ đó ít bị phát hiện hơn, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bành trướng ở biển Đông.

Theo báo Mỹ Washington Post, thông báo của Tổng thống Barack Obama lúc đầu không được báo chí Mỹ chú ý. Nhưng Quốc hội Mỹ đang quan tâm đến thỏa thuận được cho là sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và tăng nguy cơ công nghệ hạt nhân vào tay của bên thứ ba. 

Theo kế hoạch, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua có phiên điều trần kín của 5 quan chức trong chính quyền Obama để đánh giá các khía cạnh an ninh, chính trị và thương mại khi mở rộng thỏa thuận. Phiên họp kín sẽ bàn về một phụ lục tuyệt mật do Giám đốc Tình báo Quốc gia dự thảo để phân tích hệ thống kiểm soát xuất khẩu hạt nhân của Trung Quốc và thông báo của ông Obama về “những giao dịch với các nước gây quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân”, Washington Post đưa tin.

Giới chuyên gia nhận định, việc Nhà Trắng sẵn sàng thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Bắc Kinh cho thấy quan hệ phát triển hơn giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, trong khi họ vẫn nhìn nhau với sự nghi ngờ và cạnh tranh. Viện Năng lượng Hạt nhân (một nhóm thương mại công nghiệp ở Mỹ) cho rằng, thỏa thuận mới sẽ dọn đường cho các Cty Mỹ bán hàng chục lò phản ứng hạt nhân cho Trung Quốc - thị trường năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Nhưng phiên bản mới của Thỏa thuận hạt nhân 123 dựa trên Đạo luật Năng lượng Nguyên tử 1954 sẽ cho phép Trung Quốc mua công nghệ hạt nhân của Mỹ vào thời điểm nhạy cảm.

Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu để chặn thỏa thuận này, nhưng nếu họ không có hành động nào trong giai đoạn xem xét, thỏa thuận sẽ tiếp tục có hiệu lực sau khi hết hạn vào cuối năm nay.

Giúp tàu ngầm Trung Quốc bớt ồn

Ông Henry Sokolski, Giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân (Mỹ), đang thúc giục các nhà làm luật Mỹ chú ý đến việc phải có sự đồng thuận trước đối với việc tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng từ những lò phản ứng do Mỹ thiết kế thành plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí. Ông Sokolski cũng quan ngại việc Mỹ bán một số công nghệ hạt nhân nhất định, đặc biệt là máy bơm làm mát có thể sử dụng cho tàu ngầm. 

Nhà máy Curtiss-Wright ở thành phố Charlotte sản xuất máy bơm làm mát tiên tiến cho các tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Nhà máy này cũng sản xuất phiên bản cải tiến cho các lò phản ứng Westinghouse AP1000 sử dụng 4 máy bơm. Những máy bơm này giảm tiếng ồn để giúp tàu ngầm khó bị phát hiện hơn. Điều này trở thành mối lo lắng lớn nếu công nghệ này được bán cho Trung Quốc, khi nước này đang tăng cường chiếm đóng và xây dựng căn cứ quân sự trên các bãi cạn, bãi đá tranh chấp ở biển Đông, Washington Post đưa tin. Các tàu ngầm Trung Quốc hiện nay bị chê là gây nhiều tiếng ồn nên dễ bị phát hiện.

Một quan chức của chính quyền Mỹ nói rằng, các máy bơm làm mát lò phản ứng quá lớn để đưa vào tàu ngầm. Nhưng báo cáo của 2 cựu quan chức Mỹ về tàu ngầm hạt nhân nói rằng, “kỹ thuật đảo ngược có thể khó”, nhưng “người Trung Quốc đã đảo ngược những kỹ thuật rất phức tạp mà họ nhập về để ứng dụng vào công nghệ vũ trụ và hạt nhân”.

Mỹ đã ký song phương Thỏa thuận 123 với 23 nước và vùng lãnh thổ (trong đó có Đài Loan) để sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, theo Channel News Asia. Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận hạt nhân năm 1985, nhưng thỏa thuận này đến năm 1998 mới có hiệu lực vì bất đồng giữa hai nước. Khi tham gia thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc nằm trong nhóm khác so với các nước và vùng lãnh thổ ký kết. Bắc Kinh thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 và nay đã có kho hạt nhân gồm khoảng 250 đầu đạn. Vì thế, quan ngại của Mỹ hiện nay là liệu Trung Quốc có chuyển giao công nghệ này cho các nước khác.

Washington Post dẫn lời một trợ lý giấu tên của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ nói rằng, Thượng viện sẽ tập trung vào những ứng dụng quân sự của công nghệ lò phản ứng vào tàu ngầm, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban, gần đây chất vấn về những cam kết ngày càng tăng của chính quyền Obama với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh ngày càng lấn lướt trong những vấn đề khu vực. Ông McCain cũng cho rằng, việc mời Trung Quốc tham dự đợt tập trận hải quân quốc tế RIMPAC ở Thái Bình Dương vào năm 2016 sẽ là sai lầm.

Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Trung Quốc, Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ ở Bắc Kinh từ ngày 16 tới 17/5, gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ trước Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung vào cuối tháng 6 và chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa thu năm nay. Sau đó, Ngoại trưởng Kerry có mặt ở Seoul từ 17 đến 18/5, gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se, để thảo luận về nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cũng như về chuyến thăm sắp tới của bà Park tới Washington.

Theo Washington Post, CNA
MỚI - NÓNG