Mỹ - Trung dồn dập tập trận, biển Đông nóng bỏng

Mỹ tuyên bố, đợt tập trận của hai tàu sân bay trên biển Đông thể hiện cam kết của họ đối với an ninh và ổn định của khu vực Ảnh: US Navy
Mỹ tuyên bố, đợt tập trận của hai tàu sân bay trên biển Đông thể hiện cam kết của họ đối với an ninh và ổn định của khu vực Ảnh: US Navy
TP - Lần đầu tiên trong vòng 6 năm, hai tàu sân bay Mỹ cùng vào biển Đông tập trận để thể hiện sức mạnh quân sự trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng khẳng định yêu sách phi lý trên biển. Trung Quốc cũng vừa tập trận trên cả 3 vùng biển, trong đó có biển Đông.

 Hai tàu sân bay Mỹ vào biển Đông khi Trung Quốc vừa hoàn tất đợt tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Báo chí Trung Quốc gọi đây là khả năng sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm thách thức yêu sách của Bắc Kinh. Hai tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Ronald Reagan “tiến hành nhiều bài tập chiến thuật được thiết kế để tối đa hóa năng lực phòng không và mở rộng tầm tấn công của các máy bay đi theo tàu sân bay”, Hải quân Mỹ thông báo.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 và lần thứ hai kể từ năm 2001, hai tàu sân bay Mỹ cùng diễn tập trên biển Đông, trung úy Sean Brophy, phát ngôn viên tàu Reagan, cho biết. “Những nỗ lực này nhằm khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ về việc ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia được bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”, Hải quân Mỹ ra thông cáo.

Quân đội Mỹ cũng đăng trên Twitter rằng, các máy bay ném bom B52 trên đất liền của Mỹ được điều đến biển Đông để tham gia đợt tập trận, và 2 nhóm tàu tấn công của họ sẽ không bị Trung Quốc đe dọa. Trong lúc 2 nhóm tàu sân bay Mỹ diễn tập trên biển Đông, các tàu hải quân Trung Quốc luôn bám theo, tư lệnh tàu sân bay Mỹ USS Nimitz cho biết. “Họ thấy chúng tôi và chúng tôi thấy họ”, chuẩn đô đốc James Kirk hôm qua nói với Reuters.

Khi 2 tàu sâu bay Mỹ bắt đầu tập trận trên biển Đông từ ngày Quốc khánh Mỹ (4/7), Hải quân Trung Quốc cũng vừa hoàn tất đợt tập trận 5 ngày ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng lúc đó, Bắc Kinh tiến hành đồng thời 2 đợt tập trận trên biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Hiếm khi các đợt tập trận quy mô lớn của Mỹ và Trung Quốc cùng diễn ra trên một khu vực.

Trong khi Bắc Kinh bị cáo buộc tranh thủ tình hình COVID-19 để gia tăng hoạt động quân sự trên biển Đông và quấy rối hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua vẫn nói rằng tình hình biển Đông “ổn định”, và đổ lỗi cho Mỹ chia rẽ Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á.

Không loại trừ khả năng nào

Nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm Tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng, đợt diễn tập của 2 tàu sân bay Mỹ thể hiện sức mạnh mà chỉ Hải quân Mỹ mới có, ít nhất là trong thời điểm này.

Trung Quốc mới có 1 tàu sân bay đang hoạt động và tàu thứ hai đang chuẩn bị. Nhưng cả hai không có khả năng mang theo nhiều máy bay chiến đấu như hai tàu của Mỹ. Hai tàu của Mỹ cũng vừa diễn tập với tàu sân bay thứ ba là USS Theodore Roosevelt ở vùng biển gần Philippines. “Sự khác nhau về sức mạnh chiến đấu giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc thể hiện trong các đợt diễn tập lần này sẽ được chú ý. Điều đó là để gửi tín hiệu quân sự và địa chính trị tới Trung Quốc và cả khu vực. Đợt tập trận của Hải quân Mỹ cho thấy bên nào mới có tiềm lực sức mạnh lớn hơn”, ông Schuster nói với CNN.

Trong khi đó, báo Trung Quốc Hoàn cầu thời báo vừa có bài viết cho rằng, các tàu sân bay Mỹ “chỉ là những con hổ giấy đứng trên cửa nhà của Trung Quốc”, và Bắc Kinh có sức mạnh lớn hơn để bảo vệ chỗ đứng của họ trên biển Đông. “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm tay của quân đội Trung Quốc, và bất kỳ chuyển động nào của tàu sân bay Mỹ ở khu vực cũng đều bị theo dõi sát sao, trong khi quân đội Trung Quốc có hàng loạt vũ khí diệt tàu sân bay như DF-21D và DF-26, những tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm”, tờ báo Trung Quốc viết.

Trong lúc tình hình biển Đông nóng lên vì các hoạt động dồn dập của Mỹ và Trung Quốc, giới quan sát cho rằng, hai bên sẽ vẫn kiềm chế để không tiến đến mức xung đột. “Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang cố gắng khôi phục kinh tế sau khi trải qua đại dịch. Dù luật an ninh quốc gia mới có thể khiến một số người ở Bắc Kinh hy vọng rằng họ đã giải quyết được một vấn đề gai góc trong nước, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ màu hồng trong tương lai gần”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore.

“Dù chúng ta thấy ít khả năng xảy ra đụng độ có chủ ý, nhưng với việc hai lực lượng đối lập hoạt động ngay gần nhau trên biển Đông như vậy, không ai có thể loại trừ khả năng xảy ra đụng độ không chủ ý”, ông Koh nhận định.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.