Mỹ, Trung lại va nhau vì biển Đông

Lính Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Nguồn: Getty Images
Lính Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. Nguồn: Getty Images
TP - Sau cuộc hội đàm tại Washington hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc cho biết, hai bên vẫn bất đồng về việc Mỹ có thể đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đến Hàn Quốc và về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin, Trung Quốc lại vừa đưa các máy bay quân sự ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, hai bên đạt được tiến triển trong một số lĩnh vực, như sắp thỏa thuận được về một nghị quyết của Liên Hợp Quốc để tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Ông Kerry cũng bảo vệ khả năng Mỹ sẽ đưa hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD đến bảo vệ Hàn Quốc và kêu gọi xuống thang ở biển Đông. Trung Quốc phản đối kế hoạch triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng, những bất đồng này cho thấy quan hệ vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau trong những vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran, nội chiến ở Syria, biến đổi khí hậu… Nhưng họ va nhau trong vấn đề tấn công mạng, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, cách thức xử lý tranh chấp chủ quyền biển đảo ở châu Á.

Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng khu vực

Trong khi đó, giới chức Mỹ xác nhận, Trung Quốc vừa đưa các máy bay chiến đấu J-11 và J-7 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đảo này sau khi mở rộng đường băng trên đó vào năm 2014. Đại sứ Mỹ tại ASEAN, bà Nina Hachigian, hôm qua phát biểu, hành động này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những tác dụng ngược”.

Trong cuộc họp báo với ông Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, “không có vấn đề gì với tự do hàng hải ở biển Đông, và Trung Quốc cùng các nước ASEAN, trong đó có nhiều nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, đủ năng lực duy trì ổn định trên biển Đông”.  

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc có thể đang lắp đặt hệ thống radar trên đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa, ông Kerry nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng, điều quan trọng với tất cả các nước, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và các nước khác, là không thực hiện bất kỳ bước đi đơn phương nào nhằm cải tạo, xây dựng hay quân sự hóa”. Trong khi đó, ông Vương Nghị nói: “Chúng tôi không hy vọng thấy bất kỳ hoạt động trinh sát quân sự hay đưa bất kỳ tàu khu trục tên lửa, máy bay ném bom chiến lược nào đến biển Đông”.

Washington sẽ tăng tên lửa tầm xa để đối phó

Trước cuộc hội đàm của hai Ngoại trưởng Mỹ - Trung, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, khẳng định, Trung Quốc “rõ ràng đang quân sự hóa biển Đông”. Ông cho rằng, Bắc Kinh “đang âm mưu tìm kiếm bá quyền ở Đông Á”. Đô đốc Harris chỉ trích việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, lắp đặt các radar trên đá Châu Viên thuộc Trường Sa, xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo…

Đại tá Darryn James, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, nói rằng, việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tân tiến ra đảo Phú Lâm tiếp tục xu hướng đáng lo ngại. “Những hành động gây mất ổn định này không nhất quán với cam kết của Trung Quốc và tất cả các bên liên quan về việc phải kiềm chế những hành động có thể khiến tình hình leo thang”, ông  James khẳng định. “Đó là lý do chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng cải tạo đất, ngừng xây dựng và ngừng quân sự hóa trên biển Đông”, đại tá James nói. 

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harris hôm 23/2 nói rằng, Mỹ nên bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Ông cũng cho rằng, Mỹ nên mua các tên lửa chống hạm tầm xa của tập đoàn Lockheed Martin càng nhanh càng tốt nằm đối phó năng lực trên biển ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tên lửa chống hạm được liệt kê trong đề xuất ngân sách 8,1 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 do Lầu Năm Góc trình lên Quốc hội Mỹ, nhằm nâng cao kỹ thuật chiến đấu trên biển và dưới nước của lực lượng Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, hệ thống này như một yếu tố chủ chốt nhằm đối phó các vũ khí và tàu chiến của Trung Quốc và Nga.

Kế hoạch của Hải quân Mỹ là sẽ mua 24 tên lửa trong năm sau và 464 tên lửa cho đến năm 2021. Những tên lửa này dự kiến được trang bị cho các máy bay ném bom B-1B từ tháng 9/2018 và trên các máy bay chiến đấu F/A-18E/F của Hải quân một năm sau đó, Reuters dẫn báo cáo ngân sách của Lầu Năm Góc. Ông Harris nói rằng, Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch triển khai các tên lửa chống hạm có thể bắn các tàu của Mỹ, khiến chúng khó bị phát hiện và khó bị đánh bại hơn. Cả Trung Quốc và Nga hiện sở hữu các tên lửa chống hạm nhanh hơn các tên lửa trong kho vũ khí Mỹ.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 24/2, hội thảo “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế” diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, do Viện ML Sondhi về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Quỹ Hàng hải quốc gia và Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc phối hợp tổ chức. Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành nêu rõ, Việt Nam phản đối Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, làm giảm lòng tin chiến lược, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác ở khu vực Ấn-Á-Thái Bình Dương. Đại sứ khẳng định, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở khu vực này. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở những quần đảo này; đồng thời sẵn sàng hợp tác với các bên có tuyên bố chủ quyền để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Tại hội thảo, nhiều học giả Ấn Độ bày tỏ quan ngại đối với các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông, kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực.          

TTXVN

MỚI - NÓNG