Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu

Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu
TP - Ngày 17/9, Thủ tướng Cộng hòa Séc Jan Fischer cho biết, Mỹ đã từ bỏ kế hoạch xây dựng các hệ thống lá chắn tên lửa ở Cộng hòa Séc và Ba Lan.
Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu ảnh 1
Một phần hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ - Ảnh: www.armybase.us

Hãng BBC dẫn lời ông Jan Fischer nói rằng, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo cho ông về sự thay đổi này. Thủ tướng Cộng hòa Séc cho biết, ông Obama đã khẳng định rằng các hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc sẽ không hình thành.

Cùng ngày, CNN dẫn lời Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng nói rằng ông Barack Obama đã ngừng triển khai các kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu do chính quyền Bush đưa ra trước đây.

Hồi tháng 11/2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã chứng minh cho các nhà lãnh đạo Mỹ thấy rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc sẽ bị vô hiệu hóa nếu Nga triển khai các tên lửa tầm ngắn của mình ở vùng Kaliningrad của Nga nằm kẹp giữa các thành viên NATO như Litva, Ba Lan.

Hơn nữa, Tổng thống Medvedev nói rằng Nga có năng lực gây nhiễu để vô hiệu hóa hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ dự định đặt tại Cộng hòa Séc.

CNN cho biết, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã kịch liệt phản đối quyết định ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa này của Mỹ, cho rằng Washington thực hiện điều đó chỉ nhằm làm vừa lòng Matxcơva.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ba Lan nói quyết định của Washington là một thảm họa đối với Warsaw.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Ba Lan Jeanne Brigante cho biết, quyết định nói trên của chính quyền Obama vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc. Lý do là đến nay việc rà soát lại toàn bộ dự án lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu theo chỉ thị của Tổng thống Barack Obama vẫn đang tiến hành.

Cùng về vấn đề này, một quan chức Bộ Ngoại giao Ba Lan cho CNN biết phái đoàn cấp cao của Mỹ đã có cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo Ba Lan trong một giờ đồng hồ hôm 17/9 về sự thay đổi đối với kế hoạch lá chắn tên lửa. Ngay sau đó, các quan chức Hoa Kỳ đã rời Warsaw đi Prague để có cuộc làm việc tương tự với các nhà lãnh đạo Cộng hòa Séc.

Hồi tháng 8/2008, Mỹ đã ký một hiệp định với Ba Lan về việc đặt các tên lửa đánh chặn tại một căn cứ gần biển Baltic. Đồng thời Mỹ cũng ký một hiệp định tương tự với Cộng hòa Séc về việc xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm trên lãnh thổ Séc.

Theo kế hoạch của chính quyền Bush, các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Cộng hòa Séc sẽ được kích hoạt từ năm 2012. Nga đã kịch liệt phản đối việc triển khai kế hoạch này, cho rằng hệ thống đó đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Báo Wall Street Journal hôm 17/9 dẫn lời các cựu quan chức Mỹ nói rằng căn cứ để Nhà Trắng đưa ra quyết định ngừng triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc là do tình hình căng thẳng về các mối đe dọa tên lửa từ Iran đã giảm đi nhanh chóng.

Trên thực tế, chương trình tên lửa tầm xa của Iran đã không phát triển nhanh chóng như dự báo trước đây của Mỹ. Trong tương lai gần chưa có mối đe dọa trực tiếp bằng tên lửa tầm xa từ phía Iran đối với thủ đô các nước châu Âu và cả nước Mỹ.

Do vậy, thay vì tìm cách đối phó với tên lửa đạn đạo vượt đại châu, Mỹ chuyển hướng sang đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran.

MỚI - NÓNG