Mỹ từng sử dụng chất độc da cam ở Lào, Campuchia

Mỹ từng sử dụng chất độc da cam ở Lào, Campuchia
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ rải chất độc da cam ở miền Nam VN. Các nước Lào, Campuchia cũng phải hứng chịu dù với mức độ thấp hơn. Đó là kết quả nghiên cứu của ông Andrew Wells Dang - Đại diện Quỹ Hoà giải và Phát triển Mỹ.
Mỹ từng sử dụng chất độc da cam ở Lào, Campuchia ảnh 1

Một trong những biện pháp ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam VN qua đường mòn Hồ Chí Minh của quân đội Mỹ là “làm rụng lá những khu rừng ở vùng biên giới Việt – Lào” bằng cách sử dụng các chất khai quang như chất độc da cam. Nhiều tài liệu và nhân chứng cho biết quân đội Mỹ đã phun chất khai quang lên nhiều vùng lãnh thổ Lào, nhưng các quan chức không thừa nhận sự thật này.

Tới đầu năm 1982, theo Luật Tự do thông tin, nhà sử học William Buckingham đã đưa vấn đề này ra công luận. Tờ New York  Times (số 25/1/1982) đã cho đăng bài “Báo cáo của lực lượng không quân Mỹ về việc bí mật phun thuốc ở Lào trong chiến tranh VN”.

Theo nhà sử học Buckingham, việc sử dụng chất khai quang “thực nghiệm” bên ngoài miền Nam VN đã được Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc từ năm 1962. Các bản báo cáo của Trung tâm chỉ huy quân đội Mỹ tại VN gửi Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ đã được giải mật cho biết, trong khoảng thời gian từ 3/12/1965 tới 7/9/1969, quân đội Mỹ thực hiện 434 chuyến bay sang Lào để phun chất khai quang.

Theo một tài liệu khác, việc phun thuốc này kéo dài tới ngày 1/10/1970. Tổng cộng quân đội Mỹ đã phun hơn 250.000 lít chất khai quang ở Lào, ước tính tổng diện tích chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 80.000 ha.

Đây chưa phải là con số cuối cùng và rất nhỏ bé so với số lượng chất khai quang Mỹ phun xuống miền Nam VN, nhưng rất đáng quan tâm. Thời điểm Mỹ phun thuốc khai quang nhiều nhất là nửa đầu năm 1966 với hơn 200 chuyến bay, phun gần 100.000 lít chất da cam.

Theo nhà sử học Buckingham, trong các chất khai quang Mỹ phun ở Lào, chất độc da cam chiếm 75%, tiếp đến là chất xanh (15%), chất trắng (10%). Theo tài liệu tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ, chất khai quang được phun nhiều nhất ở những vùng đất thuộc tỉnh Savannakhet và Attapeu. Quân đội Mỹ sử dụng máy bay C-123s và F-4s từ căn cứ Biên Hoà (miền Nam VN) và các tàu sân bay để thực hiện việc phun chất khai quang ở Lào.

Nhiều quan chức liên quan đến các chiến dịch phun thuốc khai quang ở Lào đã thừa nhận sự thật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu đầy đủ, đặc biệt về những hậu quả mà chất khai quang của quân đội Mỹ đã gây ra tại Lào.

Khác với chiến dịch phun chất khai quang trên diện rộng và dài ngày tại miền Nam VN và Lào, việc sử dụng loại chất độc này ở Campuchia được xem như một “tai nạn lớn” và diễn ra trong khoảng thời gian từ 18/4 đến 2/5/1969 tại các đồn điền cao su thuộc tỉnh Kampong Cham.

Các nhóm điều tra độc lập xác nhận, khoảng 80.000 ha bị phun chất khai quang (chiếm 7% diện tích tỉnh Kampong Cham), trong đó khoảng 12.000 ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đồn điền cao su tại tỉnh Kampong Cham chiếm 1/3 tổng diện tích cao su của Cămpuchia và chiến dịch phun thuốc khai quang khiến nước này mất 12% tổng nguồn thu từ xuất khẩu.

Bí ẩn vẫn bao trùm xung quanh lý do thực sự khiến Mỹ thực hiện chiến dịch phun thuốc khai quang vào các đồn điền cao su tại Campuchia. Tháng 11/1969, Chính phủ Campuchia đòi Mỹ bồi thường 12,2 triệu USD vì những thiệt hại tại các đồn điền cao su do Mỹ gây ra.

Tất nhiên, phía Mỹ chối bỏ trách nhiệm, nhưng tháng 12/1969, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải cử các nhóm nghiên cứu độc lập đi xem xét những hậu quả mà loại chất độc này đã gây ra tại Cămpuchia. Điều đặc biệt là chiến dịch phun thuốc khai quang này có thể không phải do lực lượng không quân Mỹ thực hiện.

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học E.W.Pfeiffer và A.Westing  dẫn đầu kết luận rằng, CIA hoặc một số cơ quan có cùng chức năng của Mỹ hoạt động tại Đông Nam á đã thực hiện sứ mệnh này nhằm làm mất ổn định Chính phủ Campuchia.

Mỹ luôn lấp lửng về việc bồi thường cho Campuchia xung quanh chiến dịch phun chất khai quang. Năm 1972, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger hé mở khả năng tiến hành bồi thường bí mật. Tuy nhiên, nội tình của sự việc này chưa có tài liệu nào nhắc đến.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.