Mỹ và Israel rạn nứt vì Iran

Mỹ và Israel rạn nứt vì Iran
TP - Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman mới đây tuyên bố thẳng Israel cần tìm những đồng minh chiến lược mới thay thế Mỹ vì những bất đồng trong vấn đề hạt nhân của Iran.

> FBI do thám hàng trăm cơ quan ngoại giao tại Mỹ
> Quân đội Iran khoe máy bay không người lái 'khủng'

Hội nghị giữa Iran và nhóm ”5+1” tại Geneve
Hội nghị giữa Iran và nhóm ”5+1” tại Geneve.

Vòng đàm phán thứ 2 giữa Iran và nhóm “5+1” (5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức) về chương trình hạt nhân của Iran đã bắt đầu vào giữa tuần qua. Trong suốt những ngày gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã liên tiếp tiến hành hội đàm với hầu hết các nhà lãnh đạo các nước thuộc nhóm “5+1” nhằm thuyết phục họ không thỏa hiệp với Iran.

Trước đó, tất cả các bên đều tuyên bố quyết tâm tìm ra thỏa hiệp cho vấn đề gai góc này khiến người ta hy vọng cuộc khủng hoảng đã qua và cuộc đàm phán sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc thành công. Có nhiều bằng chứng tạo nên mối lạc quan như vậy. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh lần đầu tiên sau nhiều năm đã trực tiếp trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Iran. Còn tờ báo Pháp Le Nouvel Observateur đã công bố những đòi hỏi chính của nhóm “5+1” mặc dù ban đầu đây là điều cấm kỵ.

Theo Le nouvel Observateur, đòi hỏi chính của nhóm “5+1” là Iran phải ngừng làm giàu Uran dưới 20% và phải làm nghèo lượng uran đã tích luỹ được đến mức 3,5%. Nhóm “5+1” cũng yêu cầu Iran phải ngừng việc xây dựng lò phản ứng chạy bằng nước nặng tại Arak và phải cho phép các thanh sát viên quốc tế được tự do tiếp cận các cơ sở hạt nhân của mình. Nếu Iran chấp nhận tất cả những đòi hỏi đó thì hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran sẽ được bãi bỏ. Mỹ sẽ ngừng phong toả một phần các tài khoản của Iran ở Mỹ và EU sẽ bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu vàng, kim loại quý, dầu mỏ và sản phẩm hóa dầu từ Iran. Nhưng chưa thể nói đến việc gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt.

Theo lời đại diện của EC về chính sách đối ngoại và quốc phòng Michael Mann, vòng đàm phán hiện đang diễn ra ở Geneve sẽ kéo dài cho đến khi đạt được kết quả.

Vì những rạn nứt trong quan hệ với Mỹ, rất có thể “đồng minh chiến lược mới” của Israel là Nga.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định vấn đề Iran có được phép làm giàu uran hay không, không nằm trong khuôn khổ lần đàm phán này và sẽ không được giải quyết trong tương lai gần. Mà đây lại là yêu cầu chủ yếu của Iran. Hơn thế nữa, có 2 nước kiên quyết phản đối bất kỳ thoả thuận nào với Iran là Israel và A Rập Xê-út.

Trong suốt những ngày gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã liên tiếp tiến hành hội đàm với hầu hết các nhà lãnh đạo các nước thuộc nhóm “5+1” nhằm thuyết phục họ không thoả hiệp với Iran. Cuộc hội đàm gần đây nhất là với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc hội đàm tiếp theo sẽ là với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Nhưng cuộc hội đàm này chưa chắc sẽ diễn ra bởi vì mối quan hệ Mỹ - Israel do mâu thuẫn về vấn đề Iran nên đã rạn nứt khá nhiều. Israel hy vọng vào Nga bởi vì Nga có những “đòn bẩy ảnh hưởng” đối với Iran. Hơn nữa Nga đã và đang đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết vấn đề Syria. Chính vì thế, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Netanyahu đã đề nghị giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran theo kịch bản tiêu huỷ vũ khí hoá học ở Syria.

Như vậy, theo nhận định của các nhà phân tích, kết quả đầu tiên và hiện nay là duy nhất của các cuộc thương lượng tại Geneve là việc mối quan hệ đối tác về vấn đề Iran giữa Mỹ và Israel bị rạn nứt.

Còn về A Rập Xê-út, theo tin tức báo chí, nước này đang cùng Israel soạn thảo kế hoạch tấn công Iran và đương nhiên phản đối mọi “giao kèo” với Iran.

Không những thế, các đòi hỏi của nhóm “5+1” đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Iran. Theo nguồn tin gần gũi với đoàn đại biểu Iran tại Geneve, những đòi hỏi mà nhóm “5+1” đưa ra là không thể chấp nhận được đối với Tehran. Mới đây nhất, Tehran chính thức tuyên bố không sẵn sàng từ bỏ việc làm giàu uran. Theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran, thoả thuận về chương trình hạt nhân của Iran chỉ có thể được ký kết nếu Iran vẫn có quyền làm giàu uran. Ông nhấn mạnh Iran chỉ sẵn sàng thảo luận những hạn chế nhất định trong việc làm giàu uran và vẫn kiên quyết đòi gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt ngay trong giai đoạn đầu của việc thực hiện thoả thuận có thể có giữa Iran và nhóm “5+1”. Nhưng đòi hỏi này đã bị Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ.

Không thể phủ nhận cuộc thương lượng tại Geneve đã đạt được những tiến bộ nhất định. Nhưng giữa 2 bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng. Về đại thể, việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran vẫn đang lâm vào bế tắc mặc dù đó là sự “bế tắc lạc quan” nếu nói theo ngôn ngữ của báo chí Nga.

NGỌC THOA 
Theo Gazeta.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG