Myanmar - hổ châu Á tiềm năng

Myanmar - hổ châu Á tiềm năng
TP - Myanmar cũng có tiềm năng phát triển nhanh như các nền kinh tế khác trong kahu vực, tuy rằng quá trình biến tiềm năng thành hiện thực sẽ phải mất nhiều năm cải tổ.
Cửa hàng nhỏ trước đền Đá Vàng ở thành phố Kyaikhtiyo (Myanmar). Ảnh: Getty Images
Cửa hàng nhỏ trước đền Đá Vàng ở thành phố Kyaikhtiyo (Myanmar). Ảnh: Getty Images.

Theo các chuyên gia kinh tế, ít nhất là trên lý thuyết, Myamar có tất cả các yếu tố cần thiết để tạo nên một điều thần kỳ nữa ở châu Á.

Thách thức phát triển

Với dân số 48 triệu người, Myanmar đang sở hữu lực lượng lao động giá rẻ để thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ gỗ tới khoáng sản, có thể thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

Và vị trí địa lý chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể giúp Myanmar hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của hai cường quốc châu Á.

Vài tháng trở lại đây, sự thức dậy của nền dân chủ mới thành hình mang lại hy vọng cho cộng đồng kinh doanh châu Á rằng Myanmar cuối cùng cũng có thể trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư như tiềm năng vốn có.

Nhân vật ủng hộ dân chủ bị kìm hãm trong một thời gian dài đã được phép tham gia cuộc bầu cử vào nghị viện từ tháng 4 năm nay.

Bà Aung San Suu Kyi - được trao giải Nobel hòa bình cho những đóng góp, hoạt động không mệt mỏi vì dân chủ - đã được giải phóng khỏi tình trạng quản thúc tại gia và được phép tranh cử vào cơ quan lập pháp.

Bước đi này đã thuyết phục Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.

Cải tổ chính trị đã mở cửa để đất nước đạt được sự hồi sinh kinh tế thực sự. Giờ đây, Myanmar bắt đầu tha thiết kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Nhưng việc thu hút đầu tư không phải điều dễ dàng. Myanmar thiếu cơ sở hạ tầng, môi trường chính sách lành mạnh, hiệu quả, và lực lượng lao động có tay nghề.

Myanmar “có tiềm năng mạnh, nhưng trước khi biến tiềm năng đó thành hiện thực, họ phải giải quyết nhiều thách thức phát triển”, nhà kinh tế học Cyn-Young Park ở Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét.

Trong báo cáo gửi lên ADB, bà Park vạch ra những khó khăn chính của Myanmar như sau:

Myanmar đối mặt nhiều nguy cơ và thách thức có khả năng kìm hãm phát triển. Những khó khăn chính bao gồm cơ chế quản lý kinh tế vĩ mô yếu, thiếu cơ chế thị trường, thiếu các nguồn lực tài khoá, khó tiếp cận tài chính, hạ tầng yếu kém, dịch vụ xã hội thiếu thốn làm kìm hãm phát triển nguồn lực con người, và đa dạng công nghiệp còn hạn chế.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận Myanmar gần đây đã đạt được một số tiến bộ. Hồi tháng 4, chính phủ cải cách hệ thống tiền tệ, áp dụng tỷ giá hối đoái đồng nhất do thị trường chi phối nhằm ổn định môi trường đầu tư. Đây chỉ là bước đầu tiên.

Chính phủ Myanmar cần huy động các quỹ đầu tư để xây dựng đường sá, trường học và các hệ thống hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, Myanmar cần tạo ra cơ chế pháp lý cho một nền kinh tế thị trường. Sau nhiều thập kỷ bị kìm hãm kinh tế, nước này thiếu một hệ thống pháp lý rõ ràng mà các công ty nước ngoài cần để đầu tư an tâm và an toàn.

Trong một hội nghị chuyên đề mà chính phủ Myanmar tổ chức ở Hong Kong, các doanh nhân tham dự nêu rất nhiều câu hỏi: Người nước ngoài có được quyền sở hữu bất động sản? Công ty nhà nước có bình đẳng với công ty tư nhân? Câu trả lời mà họ nhận được chưa thực sự thoả mãn. Các quan chức Myanmar không khẳng định rõ ràng. Myanmar cần có thời gian để chính phủ thích nghi hoàn toàn với cơ chế thị trường.

Nếu Myanmar có thể vượt qua tất cả những trở ngại trên, thì tiềm năng của họ là không thể chối cãi.

ADB ước tính nước này có thể đạt mức tăng trưởng hằng năm 7-8% và tăng gấp ba thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030. Sau nhiều thập kỷ chìm trong tiêu điều, mức phát triển đó có thể giúp Myanmar thay đổi hoàn toàn.

Nới lỏng kiểm duyệt báo chí

Myanmar hôm 21-8 xoá bỏ cơ chế kiểm duyệt trực tiếp báo chí. Đây là bước đi mạnh mẽ nhất nhằm hướng tới tự do bày tỏ quan điểm, tuy rằng các luật và thông lệ liên quan vẫn tồn tại, khiến nhiều người nghi ngờ về sự thay đổi thực sự.

Báo và tạp chí ở Myanmar đã được phép xuất bản mà không cần nộp bài trước cho hội đồng kiểm duyệt. Ảnh: AP
Báo và tạp chí ở Myanmar đã được phép xuất bản mà không cần nộp bài trước cho hội đồng kiểm duyệt. Ảnh: AP.

Theo luật mới, các nhà báo sẽ không phải nộp bài cho hội đồng kiểm duyệt nhà nước trước khi xuất bản như họ đã làm trong gần nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, những luật nghiêm ngặt cho phép cơ quan chức năng Myanmar tống giam, đưa nhà báo vào danh sách đen hay kiểm soát báo chí dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia vẫn chưa được thay đổi.

Vẫn chưa rõ chính phủ Myanmar sẽ duy trì kiểm duyệt báo chí ở mức độ nào. Một số chủ đề vẫn được coi là cực kỳ nhạy cảm, như tham nhũng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Trong nhiều thập kỷ qua, các phóng viên ở Myanmar được coi là bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất trên thế giới.

Họ bị kiểm duyệt thường xuyên, bị nghe lén điện thoại khắt khe đến nỗi các toà soạn không thể xuất bản hằng ngày.

Chính phủ cải tổ của Tổng thống Thein Sein trong năm qua đã nới lỏng đáng kể kiểm duyệt báo chí, cho phép phóng viên đăng những bài viết, tư liệu mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến, như các bức ảnh về nhân vật đối lập Aung San Suu Kyi.

Tại Washington, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hoan nghênh thông báo này, nhưng cũng thúc giục Myanmar xoá bỏ hoàn toàn ban kiểm duyệt báo chí.

Ông Tint Swe, Cục trưởng Cục đăng ký và kiểm soát báo chí, trước đó nói rằng hội đồng kiểm duyệt sẽ bị xoá bỏ nếu cơ chế kiểm duyệt chấm dứt.

Tuy nhiên, thông báo hôm 21-8 cho thấy ban này vẫn tồn tại và có quyền đình bản hoặc thu hồi giấy phép xuất bản nếu phát hiện có vi phạm luật xuất bản.

Nyein Nyein Naing, biên tập của Tạp chí Tin tức bảy ngày và cũng là người tham dự cuộc họp hôm 21-8, nói rằng các phóng viên sẽ vẫn phải nộp bài cho ban kiểm duyệt, nhưng không phải trước mà sau khi xuất bản, để giúp chính phủ xác định hành vi vi phạm luật xuất bản dễ hơn.

Theo luật được áp dụng từ năm 1962 tới gần đây, các phóng viên không được phép viết các bài báo đe dọa hòa bình và ổn định, chống đối hiến pháp hay sỉ nhục các nhóm dân tộc. Quy định này khiến nhiều nhà báo bị bắt giam trong những năm gần đây.

Cuối tháng trước, ban kiểm duyệt ra quyết định đình bản hai tạp chí The Voice Weekly và Envoy vì đưa ra dự đoán về sự cải tổ nội các. Gần đây, quyết định này đã được dỡ bỏ, và hai tạp chí được xuất bản trở lại từ ngày 18-8.

Shawn Crispin ở văn phòng đại diện ở Bangkok của Ủy ban bảo vệ nhà báo Đông Nam Á, nói: “Nếu chính phủ thực sự muốn chấm dứt kiểm duyệt trước xuất bản thì đây sẽ là bước phát triển đáng kể của tự do báo chí ở Myanmar”.

Nhưng nếu luật báo chí không được cải tổ hoàn toàn, thì “tất cả những hứa hẹn này sẽ dễ dàng quay về mốc cũ,” Crispin nói.

Từ năm ngoái, khi chính quyền quân đội trao quyền cho chính quyền dân sự do các sĩ quan quân đội nghỉ hưu đứng đầu, cơ chế kiểm duyệt đã không còn áp dụng với một số chủ đề như sức khoẻ, giải trí, thời trang và thể thao.

Những cơ quan báo chí thuộc các lĩnh vực ít nhạy cảm này được phép xuất bản mà không phải nộp bài trước khi đăng cho hội đồng kiểm duyệt.

Thông báo hôm 21-8 cho phép những mảng còn lại - gồm hơn 140 tờ báo và tạp chí tập trung vào các vấn đề như chính trị và tôn giáo - cũng được quyền tự do tương tự.

Tint Swe nói rằng các báo vẫn chưa được xuất bản hằng ngày, nhưng “điều đó sẽ sớm xảy ra”.

Gia Tùng
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG