Năm 2008, hơn 3 tỉ người sống ở thành thị

Năm 2008, hơn 3 tỉ người sống ở thành thị
TPO – Một bản báo cáo mới đây của Liên hợp quốc dự đoán trong năm tới, một nửa dân số thế giới- vào khoảng 3,3 tỉ người, sẽ sống tại thành thị. Tới năm 2030, con số này sẽ là 5 tỉ người.

Bà Thoraya Ahmed Obaid, giám đốc WPF cho biết, nếu không có kế hoạch hợp lí, các thành phố trên toàn cầu sẽ phải đối mặt với những mối đe doạ từ tình trạng nghèo đói tràn lan, sự thiếu hụt cơ hội cho giới trẻ và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Bản báo cáo “Tình trạng dân số thế giới 2007”- do Quỹ dân số thế giới WPF công bố, đã phác ra những nét cơ bản về tỉ lệ và quy mô của sự phát triển thành thị, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách tìm ra những cách thức quản lí đô thị hữu hiệu.

Theo WPF, hầu hết các chính sách hiện hành chỉ tập trung vào các biện pháp tách người nghèo ra khỏi những khu đô thị lớn bằng việc hạn chế nhập cư và cắt giảm số lượng nhà ở cho người có thu nhập thấp.

“Thành thị xem người nghèo như một gánh nặng. Nhưng đáng lẽ ra họ phải được nhìn nhận với tư cách một tài sản giá trị”, bà Obaid nói. “Đầu tư vào những người nghèo về nơi ăn chốn ở, cơ hội học tập và nhiều thứ khác chính là đầu tư vào một lực lượng kinh tế hiệu quả có khả năng đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế.”

Bản báo cáo chỉ ra rằng, chính tỉ lệ sinh mới là nguyên do khiến dân số thành thị tăng nhanh chứ không phải do lượng người nhập cư đến từ khu vực nông thôn. Bởi vậy, chính sách kế hoạch hoá gia đình – bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và giáo dục giới tính - sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc giảm mức tăng dân số thành thị

Cũng theo bản báo cáo, chính những thành phố nhỏ, chứ không phải các đô thị trung tâm, mới là đối tượng của phát triển đô thị.

Các thành phố nhỏ thường linh hoạt hơn trong quá trình mở rộng về quy mô, cũng như trong việc xây dựng một chính sách phù hợp. Tuy nhiên, tại các thành phố nhỏ, vấn đề nguồn lực và năng lực quản lí của chính quyền thường không bằng so với những thành phố lớn.

Nếu những thành phố nhỏ không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của dân nhập cư, hậu quả sẽ là bất ổn xã hội, trong đó phải kể đến vấn đề tôn giáo cực đoan.

Bà Obaid cho rằng việc lôi cuốn giới trẻ tham gia vào quá trình quyết định và đưa ra chính sách tại các thành phố đang phát triển là vấn đề sống còn, giúp giải quyết tình trạng nghèo khó và bạo lực.

“Niềm say mê của tôi - đó là làm sao để có thể đảm bảo cho giới trẻ được tham dự vào tất cả mọi việc chúng ta làm”, bà Obaid nói, “Họ là những người luôn chuyển động không ngừng, cố gắng khám phá cách sống mới và nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Hà Giang
Theo AP

MỚI - NÓNG