Năm 2010, châu Á có đường cao tốc nối liền 32 nước

Năm 2010, châu Á có đường cao tốc nối liền 32 nước
Ngành du lịch, thương mại của châu Á được dự báo sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc nhờ tuyến đường cao tốc dài 141.000 km nối liền các quốc gia châu Á và giữa hai lục địa Á - Âu.
Năm 2010, châu Á có đường cao tốc nối liền 32 nước ảnh 1

Ngày 4/7/2005, hiệp định về việc xây dựng đường Cao tốc châu Á số 1 chạy xuyên qua 32 nước trong đó có Việt Nam, nối liền với châu Âu chính thức có hiệu lực.

Theo Uỷ ban xã hội và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), hiệp định mang tính lịch sử này đã được ký bởi 27 trong tổng số 32 nước tham gia.

Ông Kim Hak-Su, Tổng thư ký UNESCAP, cho biết hiệp định xây dựng đường Cao tốc châu Á số 1 sẽ tạo ra những chuyển biến chưa từng có về hợp tác trong khu vực.

Ngành du lịch, thương mại của châu Á được dự báo sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc nhờ tuyến đường cao tốc dài tới 141.000 km, tạo ra sự thông thương trực tiếp giữa các quốc gia châu Á và giữa hai lục địa Á - Âu.

Đường Cao tốc châu Á bắt đầu từ Tokyo (Nhật Bản), qua CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Iran, Armenia... và kết thúc tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Dự án khổng lồ này do UNESCAP khởi xướng từ năm 1959, nhưng tới năm 2003 tại Bangkok (Thái Lan), đại diện 32 nước thành viên mới có được một bản hiệp định. Ngày 28/4/2004 tại Thượng Hải (Trung Quốc), 27 nước châu Á đã ký hiệp định xây dựng đường cao tốc xuyên Á.

Từ năm 1992, UNESCAP đã bắt đầu thảo luận với các nước thành viên về những chi tiết liên quan tới việc xây dựng tuyến đường này. Đến nay UNESCAP đã chuẩn bị khá đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế trong việc nâng cấp các tuyến đường cũ, xây dựng mới...

Ông Kim Hak-Su cho biết, đường Cao tốc châu Á chủ yếu dựa trên tuyến đường cũ của các quốc gia và có khoảng 60% trong số này chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Ước tính việc sửa chữa nâng cấp sẽ tiêu tốn khoảng 18 tỷ USD.

UNESCAP đang làm việc cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo và nhiều đối tác khác nhằm giúp các quốc gia xác định nguồn đầu tư. Dự án đường Cao tốc châu Á sẽ hoàn thành trước năm 2010 dù thời gian chính thức khởi công chưa được xác định.

MỚI - NÓNG