Năm nay, Hoa Kỳ sẽ mạnh tay hơn

Ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm ngày 3/2 và 14/2. Nguồn: Fox News
Ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm ngày 3/2 và 14/2. Nguồn: Fox News
TP - Sau khi cùng các nước ASEAN đưa ra tuyên bố nhằm thúc đẩy những nguyên tắc chung về tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở biển Đông, Hoa Kỳ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn ở khu vực trong năm nay.

Đó là nhận định của PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong hôm 17/2, ông Cù Chí Lợi cho rằng, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần này là diễn đàn quan trọng để hai bên cùng giải quyết những thách thức chung của khu vực, có tiếng nói mạnh mẽ hơn và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp, quân sự hóa ở biển Đông; thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác, như việc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các nước trong khu vực cải cách kinh tế nhằm chuẩn bị gia nhập, thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về ý nghĩa Tuyên bố Sunnylands được đưa ra hôm qua, ông Lợi đánh giá, đây là điểm nhấn của hội nghị, và trên thực tế, Hoa Kỳ có thể sẽ thực hiện những hoạt động sâu sắc hơn những lời tuyên bố đó.

Ông Lợi cho rằng, sau hội nghị này, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ sẽ được duy trì tốt theo tinh thần đối tác chiến lược được thiết lập gần đây. Trong năm nay, nếu Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển Đông, Hoa Kỳ có thể sẽ tăng cường hoạt động đáp trả, như tiếp tục cử tàu tới khu vực. Nếu Trung Quốc tôn trọng phản ứng của các nước ASEAN thì Hoa Kỳ
có thể sẽ duy trì mức độ vừa phải, tùy thuộc thái độ của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể kiếm cớ đẩy mạnh quân sự hóa

Về hướng hành động của Trung Quốc trên biển Đông trong năm 2016, TS Cù Chí Lợi cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục kế hoạch phi pháp hiện nay là cải tạo các bãi đá, biến thành đảo nhân tạo, từng bước quân sự hóa khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Ông cho rằng, một sự kiện quan trọng liên quan biển Đông trong năm nay là việc Tòa án trọng tài quốc tế trong tháng 3 sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Nếu Philippines đẩy mạnh những hành động phản đối khiến Trung Quốc bất an, Bắc Kinh có thể kiếm cớ để đẩy nhanh quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Theo TS Lợi, xu hướng Trung Quốc quân sự hóa trên biển Đông là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là ở mức độ nào. Trong khi đó, ASEAN chưa thống nhất về vấn đề này, nên khó có tiếng nói chung, khiến Hoa Kỳ cũng khó hành động. Ông Lợi cho rằng, nhìn chung, Hoa Kỳ không muốn đẩy vấn đề biển Đông lên quá căng thẳng, vì quan hệ kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc rất lớn. Hoa Kỳ cũng muốn Trung Quốc tham gia sâu hơn vào nhiều vấn đề quốc tế, như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng, biến đổi khí hậu… Nếu quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc không ổn thỏa, có thể sẽ ảnh hưởng lợi ích của Hoa Kỳ.

“Chính vì thế, vấn đề biển Đông có thể vẫn là một trở ngại, nhưng Hoa Kỳ không muốn để vấn đề đó làm hỏng những vấn đề khác. Về cơ bản, Hoa Kỳ vẫn là một đối tác rất quan trọng của ASEAN để đối trọng với Trung Quốc. Nhưng khó có thể có đột biến trong bối cảnh Hoa Kỳ cũng đang gặp khó khăn trong việc thống nhất chính trị trong nước”, TS Lợi nhận định.

MỚI - NÓNG