Báo Hong Kong:

Năm nay, Trung Quốc sẽ bồi đắp thêm một bãi cạn

Bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough
TP - Trung Quốc sẽ bắt đầu bồi đắp bãi cạn Scarborough thuộc quần đảo Trường Sa vào cuối năm nay, và có thể sẽ xây thêm một đường băng để phục vụ hoạt động của không quân nước này trên vùng biển tranh chấp, báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua dẫn một nguồn tin thân cận với Hải quân Trung Quốc.

Theo nguồn tin, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy kế hoạch xây dựng một tiền đồn mới cách bờ biển Philippines 230km, trong bối cảnh Mỹ và Philippines đang thắt chặt hợp tác quân sự. Nguồn tin nói rằng, phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế tại La Hay dự kiến bất lợi cho Trung Quốc sẽ càng thúc đẩy nước này thực hiện kế hoạch. “Bắc Kinh sẽ thúc đẩy kế hoạch bồi đắp trên Hoàng Nham trong năm nay”, nguồn tin giấu tên nói. Hoàng Nham là tên Trung Quốc gọi bãi Scarborough.

“Trung Quốc phải lấy lại động lực để làm như vậy vì Washington đang cố kiềm chế Bắc Kinh bằng cách thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở khu vực”, nguồn tin nói. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines, lực lượng của Mỹ sẽ được tiếp cận ít nhất 8 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó có 2 căn cứ ở tỉnh Pampanga, cách Scarborough 330km.

“Nếu Trung Quốc hoàn tất bồi đắp, cải tạo trên bãi cạn Scarborough, họ có thể lắp đặt radar và các cơ sở khác để giám sát suốt ngày đêm hoạt động của căn cứ ở Pampanga”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia quân sự Antony Wong ở Macao. GS Jin Yongmin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược đại dương tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nói rằng, một đường băng trên Scarborough sẽ mở rộng tầm kiểm soát của không quân Trung Quốc trên biển Đông thêm ít nhất 1.000km và thu hẹp khoảng cách bao phủ khu vực Luzon - cổng ra Thái Bình Dương. Nguồn tin nói rằng, với việc xây dựng các cơ sở trên Scarborough, Bắc Kinh sẽ mở rộng tầm bao phủ vùng trời trên cả khu vực biển Đông.

Các quan chức quân sự Mỹ vừa xác nhận việc Trung Quốc triển khai 2 máy bay chiến đấu J-11 và đưa hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bốn trong số tám bệ phóng HQ-9 đang hoạt động, Fox News đưa tin.

Ngày 25/4 tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta, cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong bày tỏ ngạc nhiên trước việc một số thành viên ASEAN vừa đồng ý với quan điểm của Trung Quốc về cách thức giải quyết tranh chấp trên biển Đông dù họ không phải bên liên quan đến tranh chấp. Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định, các nước ASEAN phải nhất quán với quan điểm chung về biển Đông dựa trên thỏa thuận đạt được năm 2012. Một nước ASEAN không thể thương lượng với Trung Quốc về những tranh chấp liên quan cả các nước ASEAN khác, Channel News Asia dẫn lời ông Minh nói bên lề diễn đàn.

Hôm qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng, Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo lắng về những bước đi tăng cường quân sự hóa và mở rộng kiểm soát trên biển Đông và Hoa Đông. “Nói một cách thẳng thắn, việc tăng chi tiêu quân sự nhanh chóng và không minh bạch (của Trung Quốc) cũng như những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông và Hoa Đông với mục đích trở thành một cường quốc biển khiến không chỉ người dân Nhật Bản, mà các nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế rất lo ngại”, Japan Times dẫn lời ông Kishida phát biểu trước khi ông thăm Bắc Kinh.

MỚI - NÓNG