Nam Tư cũ vẫn chưa yên sau 10 năm Dayton

Nam Tư cũ vẫn chưa yên sau 10 năm Dayton
Hiệp định Hoà bình Dayton năm 1995 đã mang lại hoà bình cho các nước thuộc Nam Tư cũ. Nhưng hiệp định đang đối mặt với nguy cơ bị phá bỏ, bởi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng đã đến lúc nên nhìn xa hơn, rộng hơn về tương lai cho khu vực. Thực tế là gì?
Nam Tư cũ vẫn chưa yên sau 10 năm Dayton ảnh 1

Nghĩa trang của những nạn nhân chiến tranh ở Sarajevo.

Bosnia&Herzegovina đã trở thành một phòng thí nghiệm khổng lồ - nơi phương Tây thực thi khái niệm về xây dựng mô hình một quốc gia không thể chế. Và dư luận đang tự hỏi, tương lai nào đang chờ đợi các quốc gia thuộc Nam Tư cũ?

“10 năm sau Hiệp định Dayton,” tôi có tất cả 86 đảng phái chính trị, 14 thể chế chính trị, 14 nghị viện và hàng trăm nghìn chính trị gia ở đất nước, với gần 4 triệu dân. Nhưng chẳng ai trong số họ nghĩ rằng đất nước này thực sự tồn tại" - Jakob Finci, người đứng đầu cộng đồng Thiên chúa giáo tại Sarajevo - cho hay.

10 năm sau ngày đình chiến, toàn bộ diện tích của Nam Tư cũ, trừ Slovenia, vẫn đang phải trải qua rất nhiều thăng trầm trong tiến trình đi tìm sự bình ổn và hạnh phúc. Croatia, Macedonia, Serbia & Montenegro, Bosnia & Herzegovina - các nước cộng hoà thuộc Nam Tư cũ - đất nước đầu tiên bên ngoài Tây Âu từng tiến gần tới tư cách thành viên của EU 15 năm trước - đang vất vả lội ngược dòng từ vị trí chót bảng để chờ mong cái vẫy tay từ EU.

Nam Tư cũ vẫn chưa yên sau 10 năm Dayton ảnh 2

Dấu tích chiến tranh vẫn còn ở  Sarajevo (Bosnia)

Nam Tư cũ đã được khoác diện mạo mới với sự chia năm, sẻ bảy vào những năm cuối của thế kỷ 20. Với những diễn biến mới hiện nay, dư luận đang chờ đợi một "chiếc áo" mới thay thế trong vài năm tới.

Những sự kiện gần đây tại Serbia & Montenegro, với các cuộc đàm phán khởi động về thể chế tương lai của Kosovo (tỉnh ly khai ở miền nam Serbia) cũng như khả năng về nền độc lập cho Montenegro sau cuộc trưng cầu dân ý sẽ tiến hành vào tháng 4.2006, đang báo hiệu về thể chế mới cho khu vực rộng lớn này của Nam Tư cũ.

Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và EU, đại diện các nhóm sắc tộc - Hồi giáo, Croatia và Serb - tại Bosnia cuối cùng đã đạt thoả thuận về việc thay đổi hiến pháp quốc gia hồi giữa tháng 12, tạo nên một thể chế quốc gia hợp nhất vào tháng 3 năm tới và đồng nghĩa với việc xoá bỏ Hiệp định Dayton.

Slovenia có thể nói là quốc gia duy nhất thuộc Nam Tư, đã nhận được tư cách thành viên đầy đủ của EU vào năm 2004. Những nước cộng hoà khác đang cố gắng mọi cách để thoả mãn những điều kiện được đưa ra, để được bám vào sợi dây mỏng manh dẫn họ tới cánh cửa EU - nơi họ cho rằng đang nắm giữ bí quyết mang lại sự phồn vinh cho đất nước.

Macedonia đang là ứng cử viên hàng đầu gia nhập EU trong vòng đàm phán tới, nhưng quốc gia này đã phải đánh đổi bằng các cuộc xung đột và rất nhiều cuộc khủng hoảng hiến pháp dẫn tới sự can thiệp của NATO.

Bosnia&Herzegovina là cái tên đang được nhắc tới thường xuyên hơn trong cuộc chạy đua gần đây. Tất nhiên, sự ưu ái đó đi kèm với những điều kiện đặc biệt như phải xây dựng chính quyền trung ương thống nhất và hợp tác đầy đủ với Toà án Quốc tế The Hague.

Croatia đã tiến rất gần tới tư cách thành viên EU, đặc biệt là sau khi đã dẫn độ tướng Ante Gotovina tới Toà án The Hague. Trong lúc hàng trăm nghìn người Serb tại Croatia vẫn đang phải sống trong cảnh tị nạn, đói rét thì nực cười thay, điều kiện tiên quyết để được đàm phán gia nhập vẫn chỉ là hợp tác với The Hague.

Con đường khác để dẫn tới EU là hợp tác toàn diện với NATO. Nhưng cánh cổng này cũng không thoát khỏi việc phải tuân theo các quy tắc của The Hague. Điều đó có nghĩa, tương lai sau này của các nước thuộc Nam Tư cũ sẽ được quyết định theo "lời vàng ý ngọc" của Carla de Ponte - Trưởng công tố của The Hague.

Có một điều chắc chắn, ảnh hưởng từ các trung tâm chính trị nước ngoài đang lấn át chủ quyền của các quốc gia trên và trở thành nhân tố quan trọng trong sự kiện chính trị thường nhật. Tương lai của các nước cộng hoà mới tại Balkan sẽ ra sao? - tất cả vẫn đang còn phía trước. Bởi điều đó còn phụ thuộc vào suy tính của cộng đồng quốc tế, vào những thử nghiệm mới mà họ sẽ tiến hành.

Theo Goran Vasiljevic (từ Belgrade)
P.Thủy
dịch
Lao động

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.