Nạn nhân từ chối báo thù bằng axit

Nạn nhân từ chối báo thù bằng axit
TP - Hôm qua, Ameneh Bahrami quyết định không trả thù Majid Movahedi bằng cách đổ axit vào mắt kẻ cuồng si như hắn từng làm với cô năm 2004. Trước đó, cô sinh viên xinh đẹp học ngành kỹ thuật theo đuổi vụ kiện nhiều năm chỉ để được trả thù theo kiểu 'ăn miếng trả miếng'.

> Được phép trả thù kẻ tạt axit vào mình

Ameneh Bahrami trưng bức ảnh chụp cô trước khi bị tạt axit
Ameneh Bahrami trưng bức ảnh chụp cô trước khi bị tạt axit.
 

Công tố viên Abbas Jafari Dolatabadi nói: “Hôm nay, tại bệnh viện đáng lẽ diễn ra hình thức làm mù mắt Majid Movahedi với sự hiện diện của bác sỹ nhãn khoa và đại diện của tòa án. Tuy nhiên, cuối cùng, Bahrami quyết định tha tội cho hung thủ”.

Theo luật Hồi giáo Sharia, Bahrami được phép trừng phạt Movahedi bằng cách dùng axit nhỏ mù mắt kẻ thủ ác. Đó cũng là yêu cầu của Bahrami được tòa án chấp thuận năm 2008, bốn năm sau khi cô bị Movahedi (27 tuổi) tạt axit, hủy hoại khuôn mặt vì cô từ chối lời cầu hôn. Tổ chức Ân xá Quốc tế vận động chống lại bản án, coi đó là “sự trừng phạt độc ác, vô nhân đạo, không khác gì tra tấn”.

Bahrami nói: “Tôi đấu tranh bảy năm ròng với bản án này, để chứng minh cho mọi người rằng, kẻ tạt axit phải chịu hình thức trừng phạt theo luật báo thù. Nhưng hôm nay tôi tha thứ cho anh ta là quyền của tôi. Tôi hành động như vậy vì đất nước tôi, bởi vì tất cả quốc gia khác đang theo dõi xem chúng ta sẽ làm gì”.

Trên truyền hình Iran, Bahrami phát biểu: “Tôi không bao giờ muốn trả thù anh ta. Tôi chỉ muốn hung thủ bị kết án. Tôi không hề có ý định cướp đi đôi mắt của anh ta”. Công tố viên Dolatabadi ca ngợi sự tha thứ Bahrami là “hành động dũng cảm”.

Ông Dolatabadi cho biết, Bahrami yêu cầu kẻ gây thương tích bồi thường cho cô với số tiền chỉ bằng mức viện phí là 216.000 USD. Với khuôn mặt biến dạng, hai mắt bị hỏng, cô phải trải qua 19 lần phẫu thuật. Năm 2004, cô đang là sinh viên (24 tuổi) và làm việc tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Tehran.

Bahrami nói rằng, cô chưa nhận đồng nào từ gia đình hung thủ. Trước đó, cô nhất quyết từ chối khoản tiền bồi thường 30.000 USD theo phán quyết của tòa, và tranh đấu để trừng phạt kẻ thủ ác. “Anh ta phải ngồi tù từ 10 đến 12 năm, giờ được 7 năm rồi. Anh ta sẽ không được phóng thích nếu không bồi thường cho tôi”, Bahrami nói.

Diễn biến vụ án

“Trước đây, nhiều chàng trai thường đến nhà tôi, thậm chí một số giảng viên đại học cũng đến để cầu hôn”, Bahrami nói. Cô không chịu ra gặp Movahedi mỗi khi mẹ con anh này đến gia đình cô xin cưới.

Khi bị từ chối, Movahedi tìm gặp cô ở trường đại học mà cả hai đang theo học. Họ tranh cãi kịch liệt dù Bahrami vẫn không biết tên của người theo đuổi mình. Sau đó là một loạt cú điện thoại, đầu tiên là từ mẹ của Movahedi.

“Mẹ anh ta nói rằng, con trai mình là đàn ông và nếu anh ta muốn tôi thì anh ta sẽ có được tôi”, Bahrami kể. Movahedi cũng gọi điện nhiều lần cho Bahrami dọa giết. Có lần anh ta nói “Tôi sẽ tàn phá cuộc đời cô và sẽ làm điều gì đó để không ai dám cưới cô”, Bahrami kể.

Cô báo cảnh sát nhưng họ nói rằng, thực tế Movahedi chưa làm gì nên họ không thể giúp. Hai ngày sau, trên đường đi làm về, Bahrami nhận thấy có người theo mình. Cô đi chậm lại để người bám theo vượt qua và nhận ra rằng đó là Movahedi. Anh ta vung tay lên, Bahrami thấy mặt mình bỏng rát…

Kim Minh
Theo BBC, Time

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG