EU gặp Nga trước nỗi lo khí đốt

 EU gặp Nga trước nỗi lo khí đốt
TPO - Trước nỗi lo có thể thiếu nguồn cung khí đốt trong mùa đông này, ngày 5/1, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch gặp gỡ phía Nga nhằm thúc giục việc giải quyết các tranh cãi khí đốt với nước láng giềng với Ucraina.
 EU gặp Nga trước nỗi lo khí đốt ảnh 1

Tranh cãi khí đốt Nga-Ucraina bắt đầu làm châu Âu lo ngại. (Ảnh Reuters)

Từ ngày 1/1/2009, tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom đã cắt nguồn cung cấp loại nhiên liệu này cho Ucraina do các tranh cãi về giá trong năm 2009 cũng như khoản nợ trị giá hơn 2 tỷ USD chưa được thanh toán.

Động thái trên đã làm các nước châu Âu lo ngại do khu vực này đang phải nhập khẩu ¼ lượng khí đốt từ Nga, phần lớn trong số đó chạy qua lãnh thổ Ucraina.

Người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu (EC) Johannes Laitenberger cho biết, một phái đoàn “tìm kiếm sự thật” của EU sẽ gặp các quan chức Gazprom vào ngày hôm nay, 6/1, mặc dù khối này chưa chịu ảnh hưởng ngay lập tức từ tranh cãi giữa Moscow và Kiev.

“Kể từ khi chúng tôi trở thành khách hàng chính của khí đốt Nga, chúng tôi có trách nhiệm phải gây những sức ép nhất định để các bên có thể đạt được thoả thuận các sớm càng tốt”, ông Laitenberger nói.

Hiện nay, tình trạng sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đã bắt đầu xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Rumani, Bungari, Hungari cùng với Croatia và Hy Lạp.

“Chúng tôi được thông báo rằng, trong ngày hôm nay chỉ nhận được 4 triệu mét khối khí đốt từ Nga thay vì 6 triệu như yêu cầu”, một quan chức công ty khí đốt Hy Lạp cho biết.

Tại CH Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, nguồn cung khí đốt đã giảm vào cuối tuần trước nhưng đã được khôi phục trở lại mức bình thường vào ngày 5/1.

Trong khi đó, tại nhiều nước châu Âu, nhiệt độ đã tiếp tục hạ xuống thấp. Tại thủ đô Sofia của Bungari, nhiệt độ là -5 độ C, còn tại Hungari là -3 độ C.

Trước tình hình trên, EU đã phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào sáng ngày 5/1 tại thủ đô Brussel (Bỉ) để bàn về những ảnh hưởng của tranh cãi khí đốt Nga-Ucraina đối với khối này. Cuộc tranh chấp trước đó giữa 2 nước xảy ra năm 2006 cũng đã làm châu Âu thiếu hụt một lượng khí đốt đáng kể.

Linh Huy
Thep Reuters, AP

MỚI - NÓNG