Nga chiếm ưu thế, Mỹ mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông

Khung cảnh Syria sau một đợt không kích của Nga. Ảnh: La Croix.
Khung cảnh Syria sau một đợt không kích của Nga. Ảnh: La Croix.
Những diễn biến tại Syria gần đây cho thấy Nga đang trên đường thiết lập một trật tự mới tại Trung Đông, trong khi Mỹ và Arab Saudi đang mất dần vai trò lãnh đạo khu vực. 

Ngày 15/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bất ngờ đến Moscow với mục tiêu tìm cách giải tỏa các bất đồng trên hai hồ sơ gai góc Ukraina và nhất là Syria. Đây được coi là động thái "nhượng bộ" của Washington trong bối cảnh Nhà Trắng đang bối rối trước những diễn biến tại Trung Đông, theo Atlantico.

Alain Rodier, cựu sĩ quan tình báo Pháp, bình luận viên của Atlantico, nhận thấy rằng từ nhiều tuần nay, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã hoạt động rất tích trong các hội nghị và các chuyến công du quốc tế với nỗ lực kết nối và tìm được tiếng nói chung của các bên liên quan. Thực tế này cho thấy Mỹ đang thực sự muốn tìm kiếm cho một giải pháp chính trị có thể làm hài lòng tất cả.

"Đây là hình ảnh trái ngược hoàn toàn với truyền thống hành động quyết đoán và có phần áp đặt của Washington. Hay nói cách khác, hình ảnh này minh họa cho ảnh hưởng giảm sút của siêu cường Mỹ trong khu vực", Alain Rodier phát biểu trong một hội thảo về chính sách đối ngoại Mỹ.

Nhiều nhà phân tích nhận định, qua chuyến thăm được đánh giá có phần "xuống nước" của ông Jonh Kerry, giới chức Mỹ đang muốn đạt được những thương lượng cần thiết trước khi Nga triển khai lực lượng đủ mạnh tại Syria để có thể áp đặt những điều kiện có lợi nhất về tương lai của Tổng thống Assad.

Tuy nhiên động thái này của Mỹ chẳng khác nào ngầm công nhận Nga vẫn có vai trò quyết định tương lai của ông Assad.

Theo ông Éric Verhaege, giáo sư lịch sử thuộc Đại học Sorbone Paris, ngay từ khi cuộc chiến Syria bùng nổ, chính quyền Tổng thống Obama luôn nhất quán chiến lược thay thế chế độ của Tổng thống Ashar al- Assad bằng một chính quyền Hồi giáo Sunny do Arab Saudi ảnh hưởng.

Verhaege nhận định kết quả của chuyến thăm cũng như kế hoạch hòa bình cho Syria được Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 18/12 cho thấy dường như Mỹ và đồng minh đã đồng ý về một tiến trình chính trị có sự tham gia của ông Assad, trái ngược với quan điểm trước kia rằng sự ra đi của tổng thống Syria là một điều kiện bắt buộc trước khi các cuộc đàm phán khởi động

"Như vậy, sự nhượng bộ của Mỹ đã giúp Nga đã đạt được mục tiêu quan trọng đầu tiên của Nga, là cứu được Tổng thống Assad trước khả năng bị lật đổ và loại bỏ vô điều kiện khỏi mọi cơ cấu quyền lực của Syria trong tương lai. Nói cách khác Nga đã bảo vệ thành công nền móng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông", ông Verhaege đánh giá.

"Với động thái này, Mỹ mất vai trò lãnh đạo Trung Đông vào tay Nga, nước đang chiếm ưu thế kiểm soát trên chiến trường Syria", Rodier khẳng định.

Nền móng quyền lực không vững chắc

Karim Bitar, chuyên gia thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp cho rằng việc Mỹ đánh mất vai trò tại Trung Đông cũng xuất phát từ chính sách thiếu nhất quán của nước này tại khu vực.

Từ sau vụ khủng bố tấn công vào nước Mỹ ngày 9/11/2001, chiến lược chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Mỹ có thể chia làm hai giai đoạn.

Trong những năm đầu thập niên 2000, chính quyền Tổng thống George Bush xem chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là hậu quả của sự khủng hoảng chính trị - kinh tế tại Trung Đông và là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trong giai đoạn này, Washington không chỉ củng cố an ninh nội địa, săn lùng Al-Qaeda ở mọi nơi, mà còn nỗ lực lật đổ các nhà nước mà Mỹ cho là tài trợ khủng bố.

Đến thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ vẫn chủ trương duy trì chính sách cứng rắn về an ninh nội địa và chống khủng bố tích cực, nhưng chọn cách giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông như rút quân khỏi Iraq, hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập ở Syria.

Việc Mỹ để lại khoảng trống quyền lực khiến các phe phái bạo lực và cực đoan trong khu vực tranh giành ảnh hưởng, xung đột sắc tộc và sự chiếm đoạt đất đai của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở những vùng đất Iraq và Syria. 

Dù Al-Qaeda ở Iraq bị đánh bại, việc Mỹ không giải quyết triệt để những vấn đề ở nước này đã tạo điều kiện để IS nổi lên như một thế lực mạnh, gây náo loạn tình hình khu vực.

"Sự do dự của Mỹ trong các biện pháp tiêu diệt phiến quân IS tại Syria là cơ hội không thể tốt hơn để Nga bắt đầu triển khai chiến dịch can thiệp quân sự với mục đích thiết lập lại một trật tự mới tại Trung Đông, nơi Nga chí ít có thể đóng vai trò đối trọng với Mỹ, thậm chí có thể tiến tới soán ngôi 'chỉ đạo' của Washington", ông Bitar khẳng định.

Áp đảo Arab Saudi

Rodier nhận định bên chịu thiệt hại nhiều nhất từ những diễn biến này rõ ràng là Arab Saudi, đồng minh chủ yếu của Mỹ tại Trung Đông, quốc gia đang tỏ ra bất an và cố gắng cứu vớt lại những lợi ích của mình tại khu vực. Không chỉ dừng lại ở việc tập hợp các lực lượng đối lập chống chính quyền Syria trong buổi đối thoại tại Ryad, Arab Saudi đã cố gắng thành lập một liên minh quân sự Arab nhằm đánh chiếm những vùng đất mà IS đang chiếm bởi lo sợ trước sau chúng cũng thuộc về quân đội Syria do Nga hỗ trợ.

Với việc củng cố được vị thế của Tổng thống Assad, bước tiếp theo Tổng thống Putin chắc chắn sẽ tìm mọi cách dập tắt các phong trào Hồi giáo do Arab Saudi hậu thuẫn nhằm thiết lập một tương quan sức mạnh có lợi cho Moscow tại khu vực. Các phong trào này được coi là những lợi ích cuối cùng mà Arab Saui cố duy trì tại Syria.

Kế hoạch của Putin có thể sẽ gồm 3 trọng tâm. Thứ nhất, Nga sẽ tăng cường không kích tiêu diệt các nhóm phiến quân do Arab Saudi và Quatar hậu thuẫn, tiêu hao lực lượng của các nhóm này.  

Thứ hai, Nga sẽ sát cánh cùng Iran trong các cuộc đàm phán chính trị, ngăn chặn bất cứ nhóm Hồi giáo cực đoan nào tham gia vào tiến trình. Thứ ba, Nga sẽ tìm cách cắt đứt các nguồn tiếp tế cho các phong trào này bằng cách gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới với Syria. 

"Nếu thành công, Nga sẽ áp đặt được ảnh hưởng và thiết lập một trật tự mới tại Trung Đông", ông Rodier dự đoán. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG