Nga công khai điệp viên lấy bí mật bom hạt nhân của Mỹ

Nga công khai điệp viên lấy bí mật bom hạt nhân của Mỹ
TP - Ngày 2/11/2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã truy tặng danh hiệu Anh hùng của Liên bang Nga - giải thưởng cao quí nhất của Nga - cho nhà tình báo Liên Xô George Koval, tức Delmar vì những đóng góp cho việc chế tạo bom nguyên tử.
Nga công khai điệp viên lấy bí mật bom hạt nhân của Mỹ ảnh 1
Điệp viên George Koval. Ảnh: IHT

Từ năm 2002, ông Delmar được biết là một điệp viên Liên Xô trong và sau Thế chiến II đã đột nhập Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử của Mỹ.

Ông George Koval mới qua đời tại Matxcơva ngày 31/1/2006, thọ 94 tuổi. Sở dĩ câu chuyện về nhà tình báo Nga này được giới sử học, cơ quan phản gián và học giả Mỹ quan tâm vì đến nay người ta mới xác định được cái mật danh Delmar của ông trùm tình báo quân sự Liên Xô trước đây với tên George Koval là của một người.

Tình báo quân sự Liên Xô tuyển mộ

Tại lễ truy tặng phần thưởng cao quí của Nga cho ông George Koval, Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi ông George Koval là “Một nhà tình báo Xô Viết duy nhất” thâm nhập được vào các nhà máy bí mật của Dự án Manhattan.

Tổng thống Putin nói: các báo cáo tình báo của George Koval đã giúp “Liên Xô rút ngắn được thời gian đáng kể trong việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của mình”.

Ông George Koval sinh năm 1913 tại thành phố Sioux, bang Iowa, Hoa Kỳ nơi có nhiều người Mỹ gốc Do Thái sinh sống. George Koval lớn lên ở Iowa, học cao đẳng tại Manhattan.

Năm 1932, trong lúc xảy ra cuộc đàn áp người Do Thái, gia đình ông George Koval sang định cư ở Siberia tại thành phố Birobidzhan, Liên Xô. Giống như tất cả những người Do Thái từ Mỹ sang, gia đình của ông George Koval tham gia Tổ chức Mặt trận Bình dân ở thành phố Birobidzhan.

Năm 1934, George Koval về Matxcơva học tại Học viện Công nghệ Hóa học Mendeleev. Những ngày học đại học ở Học viện Hóa học này, George Koval luôn đạt thành tích xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng ưu, George Koval được Tổng Cục Tình báo Quân sự Liên Xô (GRU) tuyển làm tình báo viên. Sau một thời kỳ huấn luyện, George Koval được GRU đưa trở lại Hoa Kỳ làm nhiệm vụ tình báo khoa học trong giai đoạn khoảng từ 1940 - 1948.

Cho đến nay, các cơ quan phản gián Mỹ vẫn chưa xác định được phương thức liên lạc giữa điệp viên George Koval với những người chỉ huy của ông trong mạng lưới tình báo Liên Xô thời đó.

Tiếp cận mục tiêu tình báo tại Mỹ

Lúc đầu, George Koval trở lại Mỹ với một cái tên giả được GRU giao nhiệm vụ thu thập các thông tin về những hóa chất độc có thể dùng làm vũ khí hoá học. Sau đó, GRU quyết định liều để cho điệp viên này sử dụng công khai tên thật của mình là George Koval.

Tại Mỹ, George Koval được tuyển vào quân đội thuộc lực lượng bộ binh. Sau này hoàn toàn tình cờ, George Koval được tiếp cận dần dần với Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử của Mỹ.

Trong con mắt của những nhà chỉ huy quân sự Hoa Kỳ, George Koval là một thanh niên lịch lãm và thông minh. Năm 1943, chỉ huy lục quân Mỹ cử George Koval đi dự khóa huấn luyện chiến tranh đặc biệt tại trường City College ở Manhattan.

Tại City College, George Koval và các bạn cùng đơn vị được học môn cơ điện. Ông Bloom - một bạn học của George Koval nói rằng, Koval học rất giỏi và trong suốt thời gian học, anh không hề thảo luận gì về chính trị hay về Liên Xô.

Nga công khai điệp viên lấy bí mật bom hạt nhân của Mỹ ảnh 2
Tổng thống Nga V.Putin (giữa) cùng các tướng lĩnh tình báo Nga tại lễ  truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga cho điệp viên George Koval. Ảnh: IHT

Vào thời kỳ đó, Dự án Manhattan thiếu nhân lực kinh khủng, bèn nhờ quân đội giúp tuyển binh lính có trình độ kỹ thuật cao. Năm 1944, hai lính bộ binh George Koval và Kramish được tuyển và điều về Oak Ridge làm nhiệm vụ chính là sản xuất các thanh nhiên liệu để chế tạo bom nguyên tử.

Ông Kramish nhớ lại: Khi đó ông George Koval được đi lại hầu hết tất cả các đơn vị của cơ sở sản xuất thanh nhiên liệu hạt nhân này vì công việc của George Koval là kiểm tra mức độ phóng xạ an toàn hạt nhân đối với các công nhân.

Tháng 6/1945, nhiệm vụ của George Koval  mở rộng sang cả các nhà máy tối mật gần Dayton. Các nhà máy này tinh chế polonium 210 vốn được coi là vật liệu phóng xạ cao, được sử dụng làm mồi cho các phản ứng dây chuyền của bom nguyên tử.

Tháng 7/1945, Mỹ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên và chỉ một tháng sau đó Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Sau Thế chiến II, George Koval trốn khỏi Mỹ về Liên Xô khi cơ quan phản gián Hoa Kỳ nhận thấy một bài báo đăng trên tờ báo Xô Viết Rossiliskaya Gazeta số ra ngày 3/11 ca ngợi gia đình George Koval là những người di cư hạnh phúc.

Năm 1949, Liên Xô thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên đã làm Mỹ hết sức ngạc nhiên: Vì sao Matxcơva lại tiến bộ nhanh chóng đến vậy trong công nghệ vũ khí hạt nhân? Điều này khiến người Mỹ chỉ giữ độc quyền về bom hạt nhân trong thời gian chưa đầy 4 năm.

Sau khi đã chạy trốn khỏi Hoa Kỳ sang Liên Xô, George Koval tiếp tục vào học tại Học viện Mendeleev, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Từ đó, George Koval ở lại làm việc luôn tại Học viện Mendeleev làm công tác giảng dạy trong nhiều năm.

Cuộc tìm kiếm chân dung Delmar

Vai trò tình báo của ông George Koval chỉ được đưa ra công khai vào năm 2002 trong một cuốn sách mang tên “GRU và quả bom nguyên tử” trong đó ông chỉ được nhắc đến bằng mật danh Delmar. Từ đây các nhà sử học, khoa học, cơ quan phản gián Mỹ mở chiến dịch săn tìm chân dung của điệp viên Delmar và lần giở lại mọi thông tin về George Koval.

Hồi đầu thập kỷ 1950 của thế kỷ trước, bạn của George Koval là Kramish nói rằng, Cục điều tra Liên bang Hoa Kỳ đã phỏng vấn bí mật về việc có biết ai làm gián điệp hay không? Dường như ngày ấy, ai cũng bị phỏng vấn như vậy đồng thời dặn giữ bí mật điều đó.

Ông Stuwart Bloom - nhà vật lý cao cấp Mỹ làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California Bloom có thời cùng làm việc với George Koval tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia tại Long Island (Hoa Kỳ) thì nói rằng, ông hoàn toàn ngạc nhiên khi biết George Koval là điệp viên Liên Xô vì không bao giờ ông có một chút nghi ngờ nào đối với George Koval.

Ông Bloom nhớ lại: “George Koval chơi bóng chày rất giỏi, nói tiếng Anh trôi chảy và là giọng Anh Mỹ chứ không hề lẫn âm nào của tiếng Nga. Nói chung, George Koval là một người bình thường. Chỉ có đôi khi tôi thấy George Koval  đứng nhìn vào hư vô có vẻ suy nghĩ điều gì. Giờ thì tôi hiểu lúc đó ông ta nghĩ cái gì rồi”.

Arnold Kramish - một nhà vật lý học Mỹ nổi tiếng, nay đã về hưu nhớ lại: George Koval là người rất thân thiện với mọi người, rất say mê công việc và lịch lãm. Trong quá trình học ở City College, dường như George Koval chẳng bao giờ làm bài tập ở nhà.

Ông Kramish nói: “George Koval rất thông minh, ông ấy có một chiếc xe jeep. Ngày ấy rất ít người trong số chúng tôi có xe jeep. Ông ta được tình báo quân sự Xô Viết đào tạo kỹ. Ông George Koval được tiếp cận mọi thứ”.

Bom nguyên tử của Mỹ được lắp ráp tại Phòng thí nghiệm Los Alamos bang New Mexico nhưng các chi tiết linh kiện của bom được chế tạo tại các nhà máy bí mật như Oak Ridge (bang Tennesssee), Dayton (bang Ohio). George Koval được phép tiếp cận tất cả các nhà máy nói trên.

Trong công nghệ chế tạo bom nguyên tử, các bí mật về chế tạo còn quan trọng hơn cả những bí mật về thiết kế bom. Với tư cách người chịu trách nhiệm về an toàn phóng xạ, George Koval là người duy nhất trong lịch sử tình báo nguyên tử được tiếp cận rộng rãi với các cơ sở bí mật như vậy. 

Nguyễn Đại Phượng
Theo IHT

MỚI - NÓNG