Nga lo ngại xuất khẩu vũ khí giảm

Nga lo ngại xuất khẩu vũ khí giảm
TP - Hai thị trường xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị quốc phòng lớn nhất của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm các đối tác khác khiến Matxcơva lo ngại.

Nga đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) với hơn tám tỷ USD năm 2008. Ấn Độ sử dụng vũ khí của Nga và Liên Xô cũ trong suốt 50 năm qua.

Tuy nhiên, từ nay Ấn Độ sẽ chuyển sang mua vũ khí của Mỹ. Mỹ và Ấn Độ vừa đạt được thoả thuận trên khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Delhi ngày 20/7.

Với việc mất dần các đối tác truyền thống, Nga đang đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông, Mỹ Latinh. Tập đoàn Rosoboronexport cho biết công nghiệp quốc phòng Nga hiện có khách hàng ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quan hệ Nga - Ấn, bao gồm lĩnh vực hợp tác kỹ thuật và quân sự gần đây trở nên xấu đi. Ấn Độ chuyển dần sự quan tâm sang các đối tác khác và mua bán với Israel, Pháp cùng các nhà sản xuất vũ khí khác. Và nay là Mỹ, đối thủ chính của Nga trên lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.

Giới phân tích quân sự Nga nói lý do chính khiến Ấn Độ quyết định tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ là vì Nga nhiều lần vi phạm hợp đồng.

Ấn Độ từng tức giận khi Nga triển khai chậm việc chuyển giao tàu ngầm, tàu chiến và trì hoãn kế hoạch hiện đại hoá tàu sân bay Gorshkov. Rắc rối mới lại nảy sinh chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary tới Delhi.

Trong số tên lửa không đối không mà Nga vừa bán cho Ấn Độ có tới 50 phần trăm bị khiếm khuyết. Vì thế vấn đề đặt ra là liệu Ấn Độ có tiếp tục mua vũ khí của Nga hay không sau khi đã ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Ấn Độ sẽ tiếp tục mua xe tăng của Nga. Tuy nhiên, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đồng thời sẽ hợp tác với các nhà cung cấp khác trên lĩnh vực hải quân và không quân. Ấn Độ đang là khách hàng lớn thứ hai của Nga trong lĩnh vực vũ khí với 16 phần trăm thị phần, nhưng vị trí này sẽ không còn nữa.

Công nghiệp quốc phòng của Nga hiện chưa thể cung cấp được sản phẩm làm khách hàng nước ngoài hoàn toàn hài lòng do thiếu nhân lực. Nga thậm chí còn phải mua các thiết bị hàng hải, dụng cụ quang học và điện tử hàng không từ nước ngoài trong vài năm qua. Các kỹ sư trong lĩnh vực quốc phòng của Nga dường như chưa sáng tạo được nhiều sản phẩm mới.

Trung Quốc, thị trường lớn nhất của vũ khí Nga chiếm tới 18 phần trăm thị phần, có thể sẽ là đối tác tiếp theo từ chối mua vũ khí và trang thiết bị quốc phòng. Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport dự báo năm 2009 thị phần xuất khẩu vũ khí Nga sang Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 10 phần trăm.

Tập đoàn Rosoboronexport ước tính doanh thu của ngành công nghiệp quốc phòng năm 2009 có thể đạt 7,5 tỷ USD bất chấp khủng hoảng kinh tế.  

D.H
Theo Pravda, Ria Novosti

MỚI - NÓNG