Nga - Mỹ có thể phá vỡ Hiệp ước INF

Nga - Mỹ có thể phá vỡ Hiệp ước INF
TP - Ngày 12/10, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nói rằng, nếu Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) không mang tính toàn cầu thì Nga sẽ khó giữ được các cam kết của mình đối với Hiệp ước đó.

Tổng thống Putin cho rằng, Nga và Mỹ nên cùng nhau tìm kiếm bản chất toàn cầu của Hiệp ước này trong việc phá hủy những tên lửa hạt nhân tầm trung. Nhưng nếu không hợp tác được với nhau, hai bên có thể phá vỡ Hiệp ước INF.

Phát biểu tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga - Mỹ tổ chức tại Novo - Ogarevo (Liên bang Nga), Tổng thống V. Putin hôm 12/10 nói: “Theo ý kiến của chúng tôi, vấn đề ở đây là nên làm cho Hiệp ước INF mang tính toàn cầu để thuyết phục các nước khác trong cộng đồng quốc tế tham gia và có các nghĩa vụ cũng giống như Nga và Mỹ.

Nếu không đạt được mục tiêu đó, sẽ rất khó cho chúng tôi giữ cam kết trong khuôn khổ của Hiệp ước này trong khi các quốc gia khác, kể cả các quốc gia có biên giới cận kề với biên giới của chúng tôi, đang tích cực phát triển các hệ thống vũ khí như vậy”.

Tổng thống V. Putin chỉ ra rằng, trước đây hai nước Nga - Mỹ đã từng thảo luận vấn đề phá hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Hiệp ước INF đã trải qua 20 năm kể từ ngày ký kết 8/12/1987 và có hiệu lực ngày 1/6/1988.

Các bên tham gia Hiệp ước đó chỉ có hai nước là Mỹ và Nga với tư cách nước kế thừa Liên Xô. Các nước khác do không tham gia Hiệp ước INF nên có quyền thỏa sức phát triển các hệ thống vũ khí này. Và thực tế, nhiều nước đang chế tạo các vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung. 

Hiệp ước INF quy định Nga và Mỹ cùng loại trừ các tên lửa có tầm bắn từ 1.000 - 5.000 km  và từ 500 - 1.000 km cũng như các bệ phóng, giàn đỡ cùng các căn cứ tên lửa  hai loại nói trên tại các nước Tây Âu, Nga và các nước cộng hòa của của Liên Xô trước đây, Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Séc.

Trên cơ sở đó một Trung tâm Quốc gia Nga về Giảm bớt rủi ro hạt nhân đã được thiết lập tại Liên Xô trước đây và Cơ quan Giảm bớt rủi ro đã được lập ra ở Mỹ nhằm thực hiện những cam kết nêu trong Hiệp ước INF. Các trung tâm này hoạt động tương đối  hiệu quả.

Trong 13 năm qua, hai trung tâm của Nga và Mỹ đã luôn thông báo tin tức cho nhau đồng thời tổ chức các cuộc thanh sát chung với tổng số 1.216 lần thanh sát có sự tham gia của 7.000 người Nga và 13.000 người Mỹ. Tuy nhiên, đáng tiếc là những cuộc thanh sát chung Nga - Mỹ như vậy đã chấm dứt từ năm 2001, đến nay vẫn chưa được nối lại.

Phía Nga cho rằng, nếu các bên thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp ước INF, theo đó hai loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung bị tiêu hủy thì đã góp phần giảm đáng kể lượng vũ khí hạt nhân. Điều đó sẽ chứng tỏ Nga và Mỹ có khả năng tiến tới một sự ổn định chiến lược quốc tế.

Đ.P
Theo Itar-Tass

MỚI - NÓNG