Nga phản đối Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa ở Tây Ban Nha

Nga phản đối Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa ở Tây Ban Nha
TP - Ngày 6-10, một ngày sau khi Washington và Madrid công bố kế hoạch triển khai một loạt tên lửa hành trình của hải quân Mỹ tại căn cứ đặt tại Tây Ban Nha, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo sẽ ngừng hợp tác với Mỹ đối với dự án lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Nga cảnh báo về 'cuộc chạy đua vũ trang tồi tệ'
> NATO sẽ dựng lá chắn tên lửa chung châu Âu

Bộ Ngoại giao Nga lên án việc Washington đưa ra những quyết định có ảnh hưởng rộng lớn mà không thảo luận tập thể, cũng như đã phớt lờ ý kiến của các bên có lợi ích liên quan.

Mátxcơva phản đối kế hoạch Mỹ sắp triển khai một loạt tên lửa hành trình bắn từ tàu chiến ở căn cứ Rota trên bờ biển Tây Ban Nha, vốn được coi là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.

Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, việc triển khai các tàu chống tên lửa của Mỹ ở căn cứ Rota gây ra lo ngại về sự gia tăng đáng kể tiềm lực tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, chính quyền Mỹ chưa tỏ ra sẵn sàng giải quyết các mối lo ngại của Nga về những vấn đề then chốt đảm bảo rằng các hệ thống đó sẽ không nhằm vào kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.

Phía Mátxcơva cảnh báo xu hướng mở rộng nhanh chóng khu vực hệ thống của Mỹ chống tên lửa ở châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, nếu tình trạng này tiếp tục, chắc chắn sẽ lỡ cơ hội vốn đã được tạo lập tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bồ Đào Nha vừa qua về việc biến hệ thống phòng thủ tên lửa ở các khu vực đối đầu trở thành một khu vực hợp tác giữa Nga và NATO.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, hệ thống lá chắn tên lửa mới của Mỹ ở Tây Ban Nha dự kiến hoạt động hết công suất vào năm 2018. Tổng Thư ký Rasmussen nói rằng, ông không hề ngạc nhiên nếu trong các tháng tới có thêm những hệ thống như vậy.

Tháng trước, Romania đồng ý để cho Mỹ đặt các hệ thống tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ của mình. Mỹ từng có kế hoạch triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Séc. Tuy nhiên, do bị Nga phản đối kịch liệt nên Mỹ phải hủy bỏ.

Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Mátxcơva John Beyrle cho biết, Nga và Mỹ dự định ký hiệp định trao đổi dữ liệu về hệ thống phòng thủ châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ năm 2012.

Đ.P
Theo Ria-Novosti

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.