Nga tìm kiếm vai trò lớn hơn ở bán đảo Triều Tiên

Ông Putin và ông Kim sẽ gặp nhau trong tháng Tư. ảnh: CNA
Ông Putin và ông Kim sẽ gặp nhau trong tháng Tư. ảnh: CNA
TP - Sau khi ý định thăm Nga và lần đầu gặp tổng thống Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhiều nhà quan sát cho rằng rất có thể đây là một thay đổi chiến lược mang tính địa chính trị của ông Kim. Nhưng Nga trông đợi gì ở Triều Tiên? Liệu có phải Moscow đang tìm kiếm vị trí, tiếng nói quan trọng hơn tại các điểm nóng của thế giới?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Nga vào cuối tháng, điện Kremlin vừa thông báo trên website.

“Ông Vladimir Putin sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới thăm Nga vào nửa cuối tháng Tư theo lời mời của ông Putin”, thông báo viết.

Theo hãng tin TASS, trong năm 2018, đã có nhiều phương án về thể thức gặp gỡ của đôi bên được bàn thảo, bao gồm một cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế Viễn đông ở thành phố Vladivostok (Nga) vào tháng 9/2018 nhưng các bên đã không thể dàn xếp cuộc gặp vào thời điểm đó. Tuy nhiên, giới chức Nga đã nhiều lần nói họ chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên vào bất cứ lúc nào thuận tiện.

Về cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo cấp cao Nga, Triều Tiên, đại diện ngoại  giao Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, bày tỏ hy vọng rằng Triều Tiên tiếp tục chính sách nối lại quan hệ với Mỹ.

Tại một cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều sẽ giúp giải quyết vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

“Cả Nga và Triều Tiên đều là láng giềng tốt của Trung Quốc và chúng tôi vui mừng nhận thấy họ đang tăng cường quan hệ ở cấp cao nhất”, ông Lục nói khi trả lời một câu hỏi của phóng viên Hàn Quốc. “Chúng tôi tin rằng cuộc gặp sẽ thúc đẩy các nỗ lực giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp chính trị và đóng góp vào duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực”, ông Lục nói thêm.

Đại diện ngoại giao Trung Quốc nói họ hy vọng rằng Bình Nhưỡng tiếp tục chính sách nối lại quan hệ với Mỹ, điều theo lời ông Lục, sẽ giúp đảm bảo việc phi hạt nhân ở Triều Tiên.

Theo nhận định của một số chuyên gia, với việc gặp gỡ giữa tổng thống Putin và ông Kim, Nga đang tìm kiếm vai trò quan trọng của mình ở một trong các điểm nóng khác của thế giới, ngoài Syria hay Venezuela…

Lợi ích chính của Nga đối với thượng đỉnh Nga -Triều là nhắc các “tay chơi” khác họ đang tồn tại và họ có tiềm năng về kinh tế và chính trị ở khu vực, theo nhận định của học giả Andrei Lankov ở đại học Kookmin, Hàn Quốc. “Nga cũng cần một tư thế kiểm soát đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Các sự kiện gần đây đã đẩy mọi người ra xa khỏi Triều Tiên và Mỹ và tất nhiên không ai muốn điều đó”, ông nói.

Theo ông Lankov, Nga đã từng mời ông Kim hồi đàm hồi năm ngoái nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên không sẵn sàng bởi Nga (lúc đó) không phải là một “tay chơi quan trọng”.

Nhưng bây giờ ông Kim đang tìm kiếm mọi đồng minh ông có thể có “bởi (cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai) thất bại và ông không đạt được những thứ ông muốn như dự tính”, chuyên gia Lankov nói, theo tường thuật trên CNA.

Ông Putin đã bày tỏ sự ủng hộ ngầm đối với Bình Nhưỡng khi nói hồi năm ngoái rằng “có vẻ không hiệu quả nếu chúng ta đòi hỏi mọi thứ từ phía Bình Nhưỡng và đáp lại, họ không đưa ra cái gì hết”.

Trong khi đó, Mỹ tố cáo Nga, nước cung cấp thực phẩm cho Triều Tiên, rằng Moscow giúp Bình Nhưỡng “né” một số lệnh trừng phạt quốc tế, cáo buộc bị phía Nga bác bỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Nga thiếu tầm ảnh hưởng ở khu vực như Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã luôn hỗ trợ Bình Nhưỡng trong các giao thiệp ngoại  giao, kể cả cho ông Kim  mượn máy bay để tới Singapore dự thượng đỉnh với tổng thống Mỹ.

Vai trò của Nga trong bất cứ cuộc đàm phán quy mô toàn cầu nào cũng không thể thiếu vai trò của Trung Quốc, Konstantin Asmolov, chuyên gia về Triều Tiên của Viện Viễn đông (Nga) nói.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.