Nga-Thổ mong manh

TP - Mỹ rút khỏi Syria làm cho cả Nga và Thổ Nhỹ Kỳ đều thích song không vì thế mà thân nhau hơn. 

Rạn nứt từ cuối năm 2015 với vụ bắn rơi máy bay Nga Su-24 trên biên giới Thổ đã qua về lịch sử song khó qua về định mệnh. Cả Ankara và Moscow vẫn không ngừng trông chừng nhau như truyền kiếp.

Họ vừa cần vừa ghét nhau suốt chiều dài lịch sử. Thổ làm Nga vui khi quyết mua hệ thống phòng thủ S-400 biểu tượng sức mạnh hiện đại Nga. Ngược lại, tổng thống Tayyip Edorgan vừa đến Ucraina và thẳng thừng tuyên bố không bao giờ công nhận sáp nhập Crimea vào Nga.

Có ý kiến nói Thổ la thế thôi chứ thực ra vẫn theo Nga. Theo ý kiến này, Thổ là thành viên của NATO nên không thể nói khác quan điểm NATO về Crimea. Hơn nữa, thăm Kiev và về xã giao, lãnh đạo Thổ không thể nói điều khiến chủ nhà chói tai. Mặt khác, Thổ vẫn giao lưu kinh tế, vẫn giúp thúc đẩy du lịch vào Crimea.

Thực ra Crimea như bức tranh dễ đổi màu chiều ý tâm trạng người nhìn. Giao thương Ankara-Crimea có thực song quá nhỏ so với an ninh và địa chính trị. Ghét Liên minh Châu Âu (EU) là thế, nào là đơn thương chịu gánh nặng nhập cư - chỉ riêng Syria đã có 3,4 triệu người tị nạn, nào là EU ủng hộ người Kurd vốn bị xem là khủng bố. Vậy mà Thổ vẫn cắn răng dựa vào liên minh quân sự NATO mà thực chất là Mỹ và EU.

Một trong những lý do nặng ký là Thổ luôn bồn chồn đế chế Nga. Khó mà kê cao gối ngủ khi Nga vũ trang hải quân cùng dự án năng lượng ở biển Hắc Hải từ lúc thôn tính bán đảo Crimea năm 2014. Trong 13 cuộc chinh phạt, mà cuộc đầu tiên (1568-1570) Sa hoàng Nga thắng và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20, Thổ chỉ thắng bốn.

Xung khắc đến mức mỗi bên bao giờ cũng làm ngược cái của bên kia. Họ ủng hộ hai phe đối nghịch nhau tại xung đột dai dẳng lãnh thổ Nagorno-Karabak. Đơn giản cũng chỉ vì lưỡng quốc tranh chấp Armenia và Azerbaijan đều nằm ở dãy Nam Caucasus. Nơi đấy, đế quốc Thổ-Nga từng trải qua các cuộc thư hùng bi tráng.

Tại Syria, Mỹ rút quân khiến cả hai đều nên mừng song cũng làm họ nhanh tìm thấy những điểm ghét nhau mới. Chỉ tính từ sau vụ chiến đấu cơ Su-24, nguyên thủ Thổ-Nga liên tục gặp nhau hơn chục lần. Lửa gần nhà mà Thổ mong Nga giúp dập là không ủng hộ các lực lượng thù địch của Thổ ở Syria. Thực tình, kể cả Nga ghi điểm nhờ đứng về chính quyền Thổ hiện hành từ vụ đảo chính bất thành 2016, đôi bên vẫn chỉ có thể chơi với nhau chứ bảo bằng hữu của nhau thì e khó.

MỚI - NÓNG