Nghị sĩ trẻ Việt - Nhật trao đổi về tình hình an ninh khu vực

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (phải) và Phó Tổng thư ký đảng LDP Nhật Bản Suzuki Keisuke đồng chủ trì Tọa đàm sáng 22/8 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Giang.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (phải) và Phó Tổng thư ký đảng LDP Nhật Bản Suzuki Keisuke đồng chủ trì Tọa đàm sáng 22/8 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Giang.
TP - Các vấn đề liên quan hoạt động của Quốc hội Việt Nam và Nhật Bản, tình hình thanh niên, những thách thức an ninh khu vực, sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy TPP… được nhóm đại biểu quốc hội trẻ của Việt Nam và đoàn nghị sĩ trẻ Nhật Bản trao đổi trong buổi tọa đàm do Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong và Phó Tổng thư ký đảng cầm quyền LDP Nhật Bản Suzuki Keisuke đồng chủ trì sáng 22/8 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Đinh Công Sỹ - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cùng nhiều lãnh đạo, đại diện Trung ương Đoàn, đại biểu quốc hội trẻ của Việt Nam và hơn 40 nghị sĩ trẻ của Nhật Bản. Tọa đàm là dịp để các đại biểu Quốc hội Việt Nam, nghị sĩ Nhật Bản trao đổi phương hướng hợp tác song phương và tạo cơ hội xây dựng quan hệ sâu rộng hơn trong tương lai.

Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Nhóm đại biểu quốc hội trẻ Việt Nam, phát biểu, quan hệ Việt - Nhật đang đơm hoa kết trái, lãnh đạo cấp cao mong muốn thế hệ trẻ hai nước xây dựng quan hệ tốt đẹp để đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển. Phó Tổng thư ký đảng LDP Suzuki Keisuke nói rằng, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp rất chặt chẽ với nhau trong khi cùng đối mặt nhiều thách thức do vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, tình hình phức tạp trên biển Đông và Hoa Đông. Ông Keisuke cho rằng, cách Việt Nam và Nhật Bản hành xử với láng giềng Trung Quốc là một thách thức.

Theo ông Keisuke, Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai gần vẫn sẽ phát triển giao thương quốc tế để bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế quốc gia, nên điều quan trọng là làm thế nào để bảo đảm một khu vực tự do và cởi mở. Nhưng có những công việc đang bị tạm ngừng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc tiến triển chậm như một khuôn khổ để giúp bảo đảm quy tắc xử sự chung của khu vực. Hai nước cũng phải xử lý nhiều vấn đề trong nước như môi trường, công nghệ, sự kết nối giữa nông thôn và đô thị…

Nhiều quan ngại chung

Ông Takinami Hirofumi, quyền Trưởng ban Thanh niên đảng LDP, cho biết, các nghị sĩ Nhật Bản hiện nay quan tâm mối đe dọa an ninh sau khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo, gần đây nhất là dọa phóng tên lửa ra đảo Guam, khiến tình hình khu vực trở nên nguy hiểm. Một vấn đề khác là những bước đi quyết liệt của Trung Quốc với việc xây dựng nhiều công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà một vị đô đốc Mỹ từng gọi là “Vạn lý Trường thành bằng cát”. Một vấn đề khác là TPP sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Các thành viên tham gia TPP đều gắn với biển, nên nếu phối hợp sẽ tạo ra sức mạnh trên biển. TPP có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế của Nhật Bản, kết nối các doanh nghiệp Nhật với các đối tác ở Đông Nam Á để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hội nghị của 11 bộ trưởng TPP gần đây nhất trí sẽ tranh thủ hội nghị APEC tại Việt Nam để kêu gọi sự tham gia của các nước chưa phải thành viên TPP để phát triển sức mạnh trên biển.

Ông Suzuki Keisuke cho biết, các quan chức ngoại giao, quốc phòng Nhật - Mỹ tham gia hội nghị 2+2 vừa qua đã bàn về biển Đông và nhất trí sẽ đóng vai trò có trách nhiệm ở khu vực này. Ngay cả khi Mỹ không tham gia TPP, Nhật Bản vẫn mong muốn phối hợp với Việt Nam tạo nên một cơ chế thương mại như vậy.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao), chia sẻ những nhận thức của Việt Nam về bối cảnh tình hình khu vực và thế giới. Môi trường an ninh, kinh tế, chính trị xung quanh Việt Nam đang biến động rất mạnh. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở tầm khu vực và toàn cầu đang ngày càng gia tăng, tác động đến Việt Nam và tình hình an ninh khu vực. Nhân tố thứ hai là sự trỗi dậy của Trung Quốc; Trung Quốc trỗi dậy là xu thế tất yếu, nhưng vấn đề là làm thế nào để một nước lớn sống hài hòa, tôn trọng luật pháp, là thành viên có trách nhiệm. Trung Quốc trỗi dậy không chỉ có sức mạnh mà còn có tham vọng trở thành cường quốc biển toàn cầu, gây ra những vấn đề phức tạp với Việt Nam, Nhật Bản cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang theo dõi sát sao tình hình nội bộ của nước Mỹ khi có quá nhiều vấn đề biến động phức tạp từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống. Điều này tác động đến cam kết của Mỹ với các nước, các tổ chức khu vực, trong đó có Việt Nam, vì khi các nước lớn rút ra sẽ tạo nên khoảng trống quyền lực mà Trung Quốc tìm cách lấp vào, ông Thái nói.

Tình hình biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, tình hình trên biển Đông cơ bản dịu đi, yên ổn hơn, nhưng bản chất những thách thức vẫn còn nguyên, chưa được giải quyết triệt để, ông Thái nhận định. Việt Nam rất mong Nhật Bản trong quá trình thúc đẩy hợp tác với ASEAN sẽ không chỉ hỗ trợ Việt Nam mà giúp ASEAN củng cố đoàn kết và đổi mới cho phù hợp với tình hình mới, khi các nước lớn cạnh tranh mạnh hơn, xu hướng sử dụng vũ lực, răn đe rõ hơn. TS Thái đề xuất Nhật Bản sửa đổi một số quy định để giúp ASEAN nâng cao năng lực trên biển, trong đó có năng lực nhận thức biển vì Nhật Bản có nhiều công cụ, phương tiện trinh sát hiện đại và có năng lực cao trong cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam và nghị sĩ Nhật Bản còn trao đổi kinh nghiệm trong nhiều vấn đề khác liên quan quan hệ giữa quốc hội với đảng và nhà nước; cách thu hút thanh niên tham gia các tổ chức Đoàn, hội; vấn đề giữ chân lao động trẻ ở nông thôn trước xu thế di cư ra thành phố… Ông Lê Quốc Phong cho rằng, những trao đổi này giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và tiếp tục gắn bó, hỗ trợ nhau trong phát triển. Ông cho rằng, thời gian tới, bằng những cách trao đổi khác nhau, thanh niên, nghị sĩ hai nước tiếp tục chia sẻ thông tin, hỗ trợ để giúp nhau hoàn thành trách nhiệm trước cử tri của mình và đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, cho hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.