Nghị viện châu Âu cấm dùng các từ "quý bà, quý cô"

Nghị viện châu Âu cấm dùng các từ "quý bà, quý cô"
TP - Nghị viện châu Âu mới đây đã công bố một tập tài liệu đề nghị cấm các thành viên của mình không được sử dụng những từ mang sắc thái phân biệt trong cách xưng hô với phụ nữ.
Nghị viện châu Âu cấm dùng các từ "quý bà, quý cô" ảnh 1
Các cô gái châu Âu tươi trẻ

Đó là các từ như Missis - Miss (tiếng Anh), Fraulein-Frau (tiếng Đức), Madame-Mademoiselle (tiếng Pháp) và Senora-Senorita (tiếng Italia).

Ai cũng biết những từ nói trên là những từ xác định vị thế của người phụ nữ trong phạm vi gia đình tùy thuộc vào việc người phụ nữ đã có chồng hay còn độc thân.

Tuy nhiên, theo ý kiến các tác giả tập tài liệu mới được công bố, những từ đó cần phải loại trừ bởi vì chúng phản ánh thái độ phân biệt đối xử với phụ nữ.

Điều này càng rõ rệt hơn khi những từ xưng hô tương đương với nam giới như Mister (tiếng Anh), Monsieur (tiếng Pháp), Senor (tiếng Italia) không hề có dấu hiệu cho thấy nam giới đã có vợ hay chưa.

Vì thế, Nghị viện châu Âu đề nghị khi giao tiếp với nữ giới sẽ không được dùng những từ như Missis (Quý bà), Miss (Quý cô) mà gọi thẳng bằng cả họ tên.

Người đề xuất sáng kiến loại bỏ những từ mang màu sắc "kỳ thị giới" trong các ngôn ngữ châu Âu không phải là ai khác mà chính là Tổng Thư ký Nghị viện châu Âu Harold Romer.

Ông Romer còn đề nghị thay thế những từ mà trong thành phần có chứa yếu tố chỉ nam giới (như man trong tiếng Anh) bằng những từ đồng nghĩa trung hòa về giới tính.

Chẳng hạn, từ sportsman (vận động viên) cần được thay thế bằng từ athlete, từ statesman (chính khách) cần được thay thế bằng từ political leader.

Đề nghị tương tự còn liên quan đến một loạt từ chỉ nghề nghiệp như fireman (lính cứu hỏa), policeman (cảnh sát) và salesman (người bán hàng).

Tuy nhiên, không phải thành viên nào của Nghị viện châu Âu cũng đồng ý với những nỗ lực chống kỳ thị phụ nữ mà ông Harold Romer đề xuất. Nghị sĩ người Scotland Struan Stevenson gọi những đề xuất đó là "đỉnh cao của sự thông thái rởm về chính trị".

Một nghị sĩ khác là ông Philip Bradbourn thì khẳng định việc biên soạn tập tài liệu nói trên chỉ phí phạm tiền bạc của những người dân đóng thuế, bởi vậy ông tuyên bố sẽ không thay đổi thói quen của mình trong cách xưng hô với phụ nữ và kêu gọi các nghị sĩ khác đừng để ý đến "sáng kiến ngôn ngữ" của ban lãnh đạo Nghị viện.

Đáng chú ý đây không phải là sáng kiến độc đáo đầu tiên của các thành viên Nghị viện châu Âu. Hồi năm 2002, trong quá trình thảo luận đạo luật về mức độ tiếng ồn cho phép, các ông Nghị cực đoan tới mức chỉ chút nữa là cấm cả việc thổi kèn túi (cornemuse) hay như một đạo luật khác quy định mỗi đôi ủng cao su bầy bán phải được trang bị một tài liệu hướng dẫn sử dụng in bằng 12 thứ tiếng.

Ngọc Thoa
Theo Telegraph

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.