Ngoại trưởng Đức Fischer và vụ bê bối visa

Ngoại trưởng Đức Fischer và vụ bê bối visa
Bộ trưởng Ngoại giao Joschka Fischer đã chính thức nhận lỗi trong vụ bê bối cấp visa vào Đức vô nguyên tắc trước Đại hội đảng Xanh của ông tổ chức tại Cologne hôm 27/2.

Ông Joschka Fischer thừa nhận rằng, với tư cách là Ngoại trưởng Đức, ông đã phản ứng quá chậm đối với vụ bê bối visa trong đó hàng chục ngàn người Ukraine được cấp visa nhập cảnh Đức theo một thủ tục có nhiều sơ hở.

Ông Joschka Fischer giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Đức từ năm 1998 đến nay. Chính sách của đảng Xanh là nới lỏng việc xem xét thủ tục cấp visa nhập cảnh Đức so với những qui định trước đó.

Thời kỳ trước khi ông Joschka Fischer làm Bộ trưởng Ngoại giao (1998), các chuyên viên lãnh sự Bộ Ngoại giao Đức làm việc theo nguyên tắc quá chặt chẽ đến mức nếu nhận thấy còn một chút nghi ngờ nào về người xin nhập cảnh thì kiên quyết không cấp visa vào Đức. Nhưng dưới thời ông Joschka Fischer, qui định được đổi lại theo cách nhìn thoáng hơn là: Nếu còn chút nghi ngờ gì về đương sự thì quyền được đi lại của người xin cấp visa được xem xét trước.

Việc công khai xin lỗi chỉ được ông Joschka Fischer thực hiện vài tuần sau khi đảng Xanh bị chỉ trích mạnh mẽ tại Quốc hội vì chính sách nới lỏng thủ tục cấp visa nhập cảnh. Lúc đầu ông Joschka Fischer luôn bác bỏ những lời buộc tội của phe đối lập. Nhưng đến khi báo chí phanh phui vụ bê bối visa, chỉ rõ sơ hở trong qui định của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ thì ông Joschka Fischer không còn cách nào khác là đứng ra nhận trách nhiệm.

Dưới thời Ngoại trưởng Joschka Fischer, do việc cấp visa không được kiểm tra kỹ lưỡng nên đã bị các tổ chức mafia lợi dụng để đưa người di cư bất hợp pháp vào Đức. Làn sóng người nhập này ngày càng lớn dần chó đến khi nó giống như một “quả bóng tuyết” vỡ tan thành một vụ bê bối chính trị.

Từ năm 1998 đến nay rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Đức để kiếm việc làm. Phần lớn trong số người này đến từ Ukraine. Họ sẵn sàng làm công việc nặng nhọc tại các công trường xây dựng với giá công rẻ mạt. Điều này góp phần làm cho con số người Đức bị thất nghiệp lên đến 5 triệungười vào tháng 1/2005.

Vụ bê bối này cũng bị đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thổi phồng lên để làm mất uy tín đối với đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Gerhard Schroeder tại bang Lower Saxony. Phe đối lập đặt câu hỏi liệu ông Joschka Fischer có thực sự hội đủ năng lực của một ngoại trưởng hay không?

Mặc dù vậy, Thủ tướng Gerhard Schroeder, đang trong chuyến công du 4 nước vùng Vịnh, khi trả lời phỏng vấn của báo chí Đức vẫn khẳng định ông Joschka Fischer tiếp tục đảm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao.

MỚI - NÓNG