Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu công du Ấn Độ

Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu công du Ấn Độ
TPO - Tối ngày 17/7, Ngoại trưởng Mỹ  Hillary Clinton đã tới thành phố công nghiệp Mumbai, bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị giữa Washington và New Delhi.

Theo kế hoạch, ngày hôm nay, 18/7, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ đánh bom đẫm máu tại Mumbai năm 2008 và gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ sẽ danh thời gian đến thăm  đền Taj Mahal – công trình kiến trúc nổi tiếng của Ấn Độ.

Sau hai ngày tại Mumbai, Ngoại trưởng Clinton sẽ tới thủ  đô New Delhi tiếp kiến Thủ tướng nước chủ  nhà Manmohan Singh và hội đàm với người đồng cấp S.M. Krishna trước khi bay tới Thái Lan tham dự các cuộc thảo luận với khối ASEAN.

Chương trình nghị sự dày đặc

Trước chuyến thăm đầu tiên của bà Clinton đến Ấn  Độ, các chuyên gia chính trị cho rằng, một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ sẽ là thúc giục chính quyền New Delhi tìm kiếm một giải pháp hòa bình ổn định, lâu dài với nước láng giềng Pakistan. 

Vì  khi đạt được một giải pháp như vậy, Pakistan mới có thể chuyển hướng quan tâm, tập trung vào cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại khu vực dọc biên giới với Afghanistan, giúp giảm tải cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan.

Tuy nhiên, trước chuyến đi, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định rằng sẽ thật sai lầm cho những người Ấn Độ lo ngại Washington sẽ gây sức ép với New Delhi trong vấn đề hòa bình với Islamabad.

Ngoại trưởng Mỹ nhận định, hợp tác Mỹ-Ấn có  vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mối  đe dọa an ninh toàn cầu, chống phổ biến hạt nhân, biến đối khí hậu cũng như mở rộng thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Bà Clinton nhấn mạnh sự hợp tác giữa Mỹ  và Ấn Độ trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục và dược phẩm.

Quan hệ giữa Washington và New Delhi hầu như đóng băng trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã có mâu thuẫn gay gắt khi Ấn Độ tiến hành thử  bom hạt nhân vào năm 1998.

Tuy nhiên, quan hệ giữa 2 nước đã chuyển hướng thực sự vào năm 2008 khi chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với New Delhi, cho phép xuất khẩu công nghệ hạt nhân dân sự tới Ấn Độ.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ thay lời tuyên bố rằng Ấn Độ đã chọn các doanh ngghiệp Mỹ để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỷ USD tại nước này.

Ngoài ra, trong chuyến thăm này, Ấn Độ sẽ ký thỏa thuận cho phép Mỹ được phép giám sát để các công nghệ được chuyển giao được sử dụng đúng mục đích cam kết giữa 2 bên.

Linh Huy
Theo AP

MỚI - NÓNG