Ngoại trưởng Mỹ công du “xoay trục”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
TP - Từ ngày 13 đến 18/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công du Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Ảrập Xêút.

Chuyến thăm của ông Kerry chưa bắt đầu, nhưng sóng gió đã nổi lên. Đây là chuyến công du châu Á thứ năm kể từ khi ông Kerry nhậm chức hồi năm ngoái.

Một trong những mục đích của chuyến ngoại giao con thoi này là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, liên quan vấn đề chủ quyền và cừu hận lịch sử giữa các quốc gia vùng Đông Bắc Á.

Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Hai láng giềng của Nhật chưa từng hài lòng với Nhật trong việc giải quyết những vấn đề lịch sử như sách giáo khoa, nô lệ tình dục…, đặc biệt là các chuyến thăm đền Yasukuni của lãnh đạo Nhật Bản luôn chọc vào ký ức đau đớn từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc những ngày này tràn ngập các bài báo đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa, kịch liệt đả phá Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe.

Trung Quốc còn mở chiến dịch ngoại giao rầm rộ trên phạm vi toàn cầu từ Mỹ, châu Âu đến châu Phi và cả ở những quốc đảo tí hon trên Thái Bình Dương như Fiji. Mục tiêu tấn công là Nhật Bản và ông Abe - được mô tả như chủ nghĩa quân phiệt mới đang trỗi dậy, là nguy cơ đe dọa ổn định khu vực.

Ông Kerry có lẽ chỉ cố gắng xả bớt van an toàn, hiện việc hóa giải thù nghịch giữa hai đối thủ chất chứa đầy duyên nợ này gần như là “nhiệm vụ bất khả”.

Căng thẳng Trung-Nhật như lửa đổ thêm dầu khi Thủ tướng Abe tại Diễn đàn kinh tế Davos đã so sánh quan hệ giữa hai nước hiện nay giống như Anh và Đức thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Thật ra, không chỉ ông Abe mà một số nhân vật tiếng tăm khác như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên John Everard cũng đã lên tiếng cảnh báo về bối cảnh giống nhau giữa châu Âu năm 1914 và châu Á năm 2014. Cả hai ông đều không loại trừ nguy cơ nổ ra chiến tranh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Một trong nhiệm vụ chính yếu của ông Kerry lần này là củng cố tính khả tín của chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, vốn bị ngờ vực sau vụ lỗi hẹn của Tổng thống Barack Obama tại các hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia và Brunei cuối năm 2013.

Nói ông Kerry đi tiền trạm, chuẩn bị chuyến công du châu Á của ông Obama vào tháng 4 tới cũng chẳng sai. Trung-Mỹ đang khẩu chiến quyết liệt liên quan vấn đề biển Đông.

Tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ yêu sách chủ quyền ở biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và cảnh báo không nên lập khu nhận diện phòng không mới.

Ông Russel còn bày tỏ ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương Herbert Carlisle cũng tuyên bố, việc lập khu nhận diện phòng không ở biển Đông sẽ là bước dấn “hết sức khiêu khích”.

Dĩ nhiên, Trung Quốc lại phản đối ầm ĩ, coi phát ngôn của Mỹ là “vô trách nhiệm”, cáo buộc Mỹ gây nguy hại tới hòa bình và phát triển trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Những huyên náo ngoại giao trên tiếp nối sau phát biểu của Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh Trung Quốc với phát- xít Đức, do những đòi hỏi ngang ngược ở biển Đông.

Mỹ rõ ràng gửi một thông điệp cho Trung Quốc khi vừa tái cam kết rằng, theo Hiệp ước An ninh năm 1960, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị tấn công.

Hai bên còn thống nhất phối hợp ngăn chặn việc thành lập khu nhận diện phòng không mới ở biển Đông.

MỚI - NÓNG