Ngoại trưởng Mỹ: Sẽ đàm phán với Triều Tiên vô điều kiện

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất đàm phán với Triều Tiên vô điều kiện. Ảnh: CNN
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất đàm phán với Triều Tiên vô điều kiện. Ảnh: CNN
TP - “Chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết nào”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên. Đây được cho là động thái ngoại giao đảo ngược hoàn toàn so với trước.

Tại cuộc họp Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington ngày 12/12, ông Tillerson nói: “Về phương diện ngoại giao, chúng ta đã sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào mà Triều Tiên muốn đàm phán. Chúng ta đã sẵn sàng để có cuộc họp đầu tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Trước hết chỉ cần gặp và có thể nói về thời tiết nếu bạn muốn. Hãy nói đó sẽ là cuộc gặp bàn tròn hay bàn vuông, nếu đó là những gì bạn muốn. Nhưng chúng ta phải ngồi cùng nhau, mặt đối mặt, và rồi sau đó lấy bản đồ ra và cùng nói về những gì chúng ta có thể sẵn sàng hướng tới”.

Lời phát biểu này của ông Tillerson được coi như một lời mời công khai trực tiếp đến Triều Tiên nhằm gác sang một bên những căng thẳng leo thang về các cuộc thử hạt nhân cũng như những cuộc chiến ngôn từ gần đây để ngồi vào bàn đàm phán ngoại giao. Đây là những gợi ý cụ thể nhất mà ông Tillerson đưa ra để có thể tiến hành đàm phán với Triều Tiên. Vẫn chưa rõ phát biểu của ông có phản ánh quan điểm của Nhà Trắng hay không bởi ông Tillerson thường có những bất đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói về vấn đề đàm phán với Triều Tiên. Hồi đầu năm nay, khi ông Tillerson nêu quan điểm muốn đàm phán với Triều Tiên, Tổng thống Trump đã phản bác lại quan điểm này trên Twitter: “Thật lãng phí thời gian”.

Khi được yêu cầu bình luận về những phát biểu này của ông Tillerson, bà Sarah Sanders, Thư ký báo chí của Nhà Trắng cho biết qua email: “Quan điểm của Tổng thống về Triều Tiên không thay đổi. Triều Tiên đang có những hành động gây bất an không chỉ đối với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, mà cho toàn bộ thế giới. Hành động của Triều Tiên không tốt cho bất cứ ai và chắc chắn không tốt cho cả Triều Tiên”.

Ông Kingston Reif, Giám đốc về chính sách giảm nhẹ nguy cơ và giải trừ vũ khí của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho biết, nếu như trước đây khi nói về khả năng đàm phán với Triều Tiên, ông Tillerson nói rất mơ hồ thì phát biểu mới nhất khá cụ thể, thậm chí ông cũng không yêu cầu Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa. Động thái này của ông Tillerson được cho là sự xuống thang trước sự tăng tốc các chương trình tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây.

Quá mạo hiểm?

Trong khi nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ về lời tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson, việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster, một trong những phụ tá chính sách đối ngoại đáng tin cậy nhất của Tổng thống Trump, ngày 12/12 cho rằng, cộng đồng thế giới phải tận dụng tối đa cơ hội tốt nhất cuối cùng để tránh các hành động quân sự thì có vẻ như cơ hội đàm phán với Triều Tiên là có thật.

Về việc đưa ra việc đàm phán mà không cần bất cứ điều kiện nào, ông Tillerson giải thích: “Cuộc đàm phán không thể thực hiện nếu cứ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và Tổng thống Donald Trump cũng đồng ý với điều này. Thật không thực tế nếu chúng ta cứ mời họ tới bàn đàm phán mà lại bắt họ từ bỏ chương trình của mình. Họ đã đầu tư quá nhiều vào nó và Tổng thống là người thực tế”. Dù vậy, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng, các cuộc đàm phán nghiêm túc với Triều Tiên sẽ phải tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Tillerson cũng cảnh báo rằng, nếu muốn đàm phán, Triều Tiên phải đảm bảo có giai đoạn yên tĩnh trong các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Tillerson cho biết,  ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng, nếu các biện pháp ngoại giao không đạt được, coi như ông thất bại. Các nỗ lực ngoại giao được hậu thuẫn bởi các lựa chọn quân sự và nếu Triều Tiên đưa ra những lựa chọn tồi tệ, nước Mỹ đã sẵn sàng, ông Tillerson nói.

Một số nhà phân tích về Triều Tiên cho rằng, việc không bắt buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là một chiến lược thất bại. Một số khác lại lo ngại rằng, Triều Tiên có truyền thống vi phạm các thỏa thuận quốc tế, việc không đưa ra điều kiện tiên quyết đối với Bình Nhưỡng khi đàm phán là quá mạo hiểm.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).