Ngôi làng tách biệt với thế giới

Hai phụ nữ tại làng Bara Bangal đang trò chuyện. Ảnh: CNN
Hai phụ nữ tại làng Bara Bangal đang trò chuyện. Ảnh: CNN
Ngôi làng hẻo lánh nhất dãy núi Himalaya như ở thế giới khác khi chỉ liên lạc với bên ngoài bằng một chiếc điện thoại vệ tinh.

Nằm ở độ cao 4.800 m giữa 2 đèo Kalihani và Thamsar, ngôi làng Bara Bangal thuộc bang Himachal Pradesh, phía Bắc Ấn Độ, dường như bất khả xâm phạm bởi sự bảo vệ của các dãy núi, sông Ravi và truyền thuyết bảo vệ. Thoạt nhìn, những thửa ruộng bậc thang trên đất làng ngỡ như thật gần nhưng thực tế là những ai muốn đến đó phải đổ không ít mồ hôi. Thông tin về ngôi làng ít ỏi đến mức chỉ xuất hiện trên vài trang blog, thảng hoặc công ty du lịch mời gọi về ngôi làng như một chuyến khám phá khó khăn và vất vả.

Bara Bangal là ngôi làng lâu đời nhất của người dân thuộc bộ lạc Gaddi. Sự đi lại khó khăn là lý do khiến địa phương này gần như tách biệt với thế giới. Vào mùa hè, ngựa được sử dụng để vận chuyển nhu yếu phẩm đến ngôi làng. Trong hầu hết thời gian của năm, phương tiện liên lạc duy nhất giữa cư dân ở đây với bên ngoài là chiếc điện thoại vệ tinh do chính phủ lắp đặt nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Nhìn từ xa, những ngôi nhà lợp lá thuở ban đầu lúc dựng làng cứ như đang lan rộng ra vì dân số tăng dần. Một dân làng tên Uday Bhan kể đầy tự hào rằng họ đều là con cháu của các chiến binh từng phục vụ cho Alexander Đại đế của Đế chế Macedonia. Các chiến binh không thiết tha đến hành trình quay về nhà, rồi thời gian trôi qua, họ lưu lại đây, xây dựng ngôi làng và kết hôn với những cô gái chăn cừu.

Sự cổ kính của Bara Bangal hiển hiện khắp nơi, từ những mái nhà dường như thuộc về một thời đã xa, con đường mòn cho tới bờ tường được xây bằng đá ôm lấy vách núi. Một sớm thức dậy sau đêm ngủ vùi, du khách bắt đầu ngày mới với ly trà ấm bốc khói rồi bách bộ để khám phá ngôi làng. Cảnh tượng thường thấy ở địa phương này là nam giới ra đồng (người dân nơi đây trồng một vụ mùa mỗi năm, đậu thận hoặc bắp), phụ nữ bận rộn dọn dẹp nhà cửa, còn các cụ cao niên ngẫm sự đời ngoài hiên.

Theo lời kể của phóng viên đài CNN, bất cứ đâu, những ai ghé thăm đều được đón chào bằng nụ cười, thịnh tình mời trà cùng bữa cơm trưa và không có chỗ cho từ chối. Một cụ ông trong làng chia sẻ: “Đó là truyền thống. Chúng tôi sẽ cảm thấy bị tổn thương khi khách được mời không ở lại cùng ăn uống”. Thế rồi, ông rót swig arrack (loại rượu của Ấn Độ) mời khách uống.

Khi được hỏi có lúc nào rời khỏi những cây thông khổng lồ, sàn gạch bao phủ bởi hỗn hợp phân bò và bùn, đệm nhồi từ cỏ, để bước vào thành phố phồn hoa, một người dân cười và đáp: “Con trai tôi đưa tôi đến TP Dharamsala nhưng tôi quay về trong vòng 3 ngày. Ở đó dơ bẩn không chịu nổi”. Sau một thời gian ngắn ở lại Bara Bangal, phóng viên đài CNN mất 4 ngày mới qua được đèo Thamsar để tới TP Dharamsala.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG