Ngông cuồng quyền lực

Ngông cuồng quyền lực
Mỹ đã sa lầy ở Việt Nam và đang sa lầy ở Iraq vì "ngông cuồng quyền lực" và tâm lý muốn "ai cũng giống mình".
Ngông cuồng quyền lực ảnh 1
Nhà ngoại giao Anh nhận xét "Người Mỹ thực sự tin vào cái gì họ nói KHI họ nói. Đó là cái “gien” của người Mỹ"

Cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã bắt đầu vào năm thứ tư, tương đương với năm 1967 lúc Mỹ tham chiến ở Việt Nam.  

Ở Mỹ nhiều chính khách và trong giới báo chí đã bắt đầu nói nhiều đến tình trạng “Mỹ đang bị sa lầy ở Iraq”

Họ so sánh về nhiều mặt Iraq với Việt Nam và cho rằng Mỹ đã sa lầy ở Iraq như đã từng ở Việt Nam 40 năm trước.

Thực sự đây là hai cuộc chiến có bản chất hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, Iraq và Việt Nam có thể cho ta một cái nhìn rõ hơn về nước Mỹ trong việc họ can thiệp vào chuyện ở nước ngoài.

Dù ở hai thời điểm khác nhau (1960 và 2004) cách nhau hơn 40 năm, hai ông tổng thống cũng rất khác nhau và từ hai đảng khác nhau (Tổng thống Kenedy đại diện cho đảng Dân chủ cấp tiến, còn Tổng thống Bush đại diện cho đảng Cộng hòa bảo thủ), vậy mà hai bài diễn văn nhậm chức của họ có những điểm rất giống nhau về chính sách đối ngoại: Nước Mỹ sẵn sàng trả mọi giá, cam chịu mọi gánh nặng để đem "tự do, dân chủ" đến mọi nơi trên thế giới!?!

Những điểm giống nhau khác có thể kể tiếp là:

-Mỹ tưởng chỉ đưa quân vào vài tháng là xong;

-Tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ chiến tranh lúc đầu rất cao rồi giảm dần trong ba năm. Đến năm thứ tư thì tỷ lệ ủng hộ giảm xuống, chỉ còn khoảng trên dưới 30%;

-Dân Mỹ chỉ kiên nhẫn chịu gánh nặng tham chiến ở nước ngoài khoảng ba, bốn năm, đến năm thứ tư là bắt đầu tính chuyện “rút dù”. Ngày xưa, Mỹ bắt đầu tính chuyện rút khỏi Việt Nam từ cuối năm 1967;

-Khi bắt đầu tính chuyện “rút dù” là bắt đầu họ bàn đến chuyện giữ thể diện và “ảnh hưởng domino”.

Môi trường chính trị ngoại giao của Mỹ ngoài mặt khá rõ ràng, nhưng thực ra khá phức tạp vì trong bản chất văn hóa của họ có một số mâu thuẫn. Người Mỹ có thể rất rộng lượng, cấp tiến (trong những tư tưởng, hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, từ thiện) nhưng cũng rất thực dụng, bảo thủ (trong hoạt động kinh doanh và đối ngoại).

Cho nên người nước ngoài, ngay cả những lãnh tụ nước ngoài đã có dịp đi học, sống ở Mỹ cũng khó hiểu và thường hiểu lầm người Mỹ, vì khi người Mỹ suy nghĩ, nói và bắt đầu làm thì theo hướng tuyệt đối hóa, nhưng khi đã lâm cuộc thì chuyển dần theo khuynh hướng thực dụng và sòng phẳng một cách lạnh lùng.

Có nhà ngoại giao người Anh đã nhận xét rất thâm thúy: “Người Mỹ thực sự tin vào cái gì họ nói KHI họ nói”. Đó là cái “gien” của người Mỹ.

Thập niên 1950 và 1990 là hai thập niên huy hoàng của nước Mỹ: là siêu cường quốc độc tôn sau Thế chiến thứ hai và sau cuộc chiến tranh lạnh.

Kinh tế của Mỹ tăng trưởng nhanh, người dân Mỹ đạt được mức sống cao nhất chưa từng có. Hoàn cảnh này làm cho người Mỹ có một cái mà Thượng nghị sĩ Mỹ Fulbright đã gọi là “Ngông cuồng của quyền lực” (The Arrogance of Power).

Cái tâm lý “ngông cuồng quyền lực” nay cộng với lý do chính trị là muốn ai cũng phải làm giống mình hơn (như nhà báo uy tín James Fallow đã nói trong cuốn sách có tựa đề “More Like Us” của ông) để Mỹ có được ảnh hưởng sâu rộng hơn trong một thế giới ổn định có lợi cho Mỹ.

Tâm lý này đã đưa nước Mỹ đến những cuộc chiến phiêu lưu bắt đầu từ những giả thuyết bao quát, mơ hồ, thiếu kiểm chứng để rồi mang hậu quả rất tốn kém.

Với Việt Nam ở những năm đầu thập niên 1960, rồi đây với Iraq, Mỹ quyết định tham chiến với những vi phạm nguyên tắc cơ bản của binh pháp mà tất cả những lãnh đạo quân sự của Mỹ đều đã được học qua từ nhà chiến lược quân sự Karl Von Clausewitz người Đức: giải pháp quân sự chỉ được sử dụng khi đã có một "mục tiêu chính trị" rõ ràng và phải có đường ra (exit strategy).

Ở Việt Nam cũng như Iraq, Mỹ chủ quan trông cậy vào giải pháp quân sự cho một vấn đề chính trị, trong khi chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề và những rủi ro chính trị, hệ quả của sự tham chiến của mình.

(Bài viết của Trần Sĩ Chương - Chuyên gia tư vấn kinh tế và chính phủ, đăng trên BBC)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.