Người cuối cùng thả bom nguyên tử xuống Hiroshima qua đời

Ông Theodore VanKirk, người sống sót cuối cùng trong phi đội thả bom nguyên tử xuống Hiroshima qua đời ở tuổi 93
Ông Theodore VanKirk, người sống sót cuối cùng trong phi đội thả bom nguyên tử xuống Hiroshima qua đời ở tuổi 93
TPO - Thành viên còn sống sót cuối cùng trong phi đội thả bom nguyên tử xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945, khiến hơn 140.000 người thiệt mạng, đã qua đời ở tuổi 93, theo AP hôm 29/7.

Ông Theodore VanKirk còn được gọi là “Dutch”, qua đời hôm 28/7 vì tuổi cao sức yếu tại nhà dưỡng lão ở Stone Mountain, bang Georgia, Mỹ, con trai ông là Tom VanKirk cho biết.

Ông VanKirk đã thực hiện gần 60 nhiệm vụ ném bom nhưng sự kiện kinh hoàng năm 1945 là lần duy nhất ông thực hiện ở Thái Bình Dương, sự kiện này cũng đưa ông vào lịch sử thế giới.

Khi đó, ông mới 24 tuổi, làm nhiệm vụ hoa tiêu trên chiếc máy bay ném bom B-29 Superfortress, máy bay ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 6/8/1945.

Đám tang của ông VanKirk sẽ được tổ chức ngày 5/8 tại quê nhà ở Northumberland, Pennsylvania. Ông sẽ được chôn cất ở Northumberland bên cạnh vợ mình, người qua đời năm 1975.

Phi đội của ông gồm cơ trưởng là Đại tá Paul Tibbets và Tom Ferebee, thuộc phi đoàn 509.

Trả lời phỏng vấn Associated Press năm 2005, ông VanKirk nói, nhiệm vụ được thực hiện  một cách hoàn hảo. Ông đưa máy bay ném bom vào bầu trời đêm, thả quả bom nguyên tử nặng 4.080kg có tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima đang ngủ yên. Ông và đồng đội của mình hi vọng sẽ sống sót thoát khỏi hiện trường sau khi thả bom.

Khi đó, phi đội không biết liệu quả bom có phát nổ hay không và nếu nổ thì liệu sức mạnh từ vụ nổ có xé nát máy bay của họ không. Họ bắt đầu đếm, 43 giây nhưng không có gì xảy ra.

VanKirk nhớ lại: “Tôi nghĩ tất cả mọi người trên máy bay đều nghĩ là bom không nổ”. Tuy nhiên, sau đó ánh sáng lóe lên, sóng xung kích xuất hiện.

Vụ nổ khiến 140.000 người, chủ yếu là dân thường, ở Hiroshima thiệt mạng.

Ba ngày sau thảm kịch Hiroshima, quả bom nguyên tử thứ hai được ném xuống Nagasaki khiến 80.000 người thiệt mạng. Sáu ngày sau, Nhật Bản đầu hàng.

Ông VanKirk nói: “Toàn bộ kinh nghiệm trong Thế chiến II của tôi cho thấy, chiến tranh không giải quyết bất cứ điều gì. Và vũ khí nguyên tử cũng không giải quyết được gì. Cá nhân tôi nghĩ, không nên có bất cứ quả bom nguyên tử nào trên thế giới này”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc sử dụng bom nguyên tử tại 2 thành phố của Nhật Bản có thể rút  ngắn thời gian chiến tranh, ngăn chặn cuộc xâm lược trên đất liền và làm giảm số thương vong đối với cả 2 bên.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đi học, lấy bằng kỹ sư hóa học và làm việc cho DuPont cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1985.

Sự nghiệp quân sự trong chiến tranh của ông VanKirk được Suzanne Dietz ghi chép trong một cuốn sách mang tên “My True Course” (Con đường thực sự của tôi) xuất bản năm 2012.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG