Người đứng đầu chính phủ già nhất thế giới

Người đứng đầu chính phủ già nhất thế giới
TPCN - Sau bao hỗn loạn, cuối cùng đất nước Tuyết Sơn ở Tây Nam Á đã tìm thấy hy vọng ổn định trở lại. Sáng 30/4, một ông già 85 run rẩy đi vào Hoàng cung làm lễ tuyên thệ trước ánh mắt vừa bực vừa mừng của Quốc vương Gyanendra.
Người đứng đầu chính phủ già nhất thế giới ảnh 1
Girija Prashad Koirala , người đứng đầu chính phủ Nepal

Cụ già đó là nhà chính trị gia lão thành, Chủ tịch đảng Đại hội Nepal Girija Prashad Koirala.

Lẽ ra ông đã tuyên thệ nhậm chức từ hôm 28/4, ngay sau khi được Quốc vương bổ nhiệm, nhưng do ốm yếu quá, buổi lễ đã bị hoãn đến hai lần. Sau nghi lễ tuyên thệ, Girija Prashad Koirala đã trở thành người già nhất thế giới đứng đầu Chính phủ .

Sau khi tuyên thệ, mặc dù rất yếu nhưng ông Koirala vẫn đến nhà Quốc hội  để tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ. Khi ông xuất hiện trong phòng họp, hơn 200 nghị sĩ đều đứng dậy vỗ tay hoan nghênh.

Ngay cả các nghị sĩ thân Quốc vương cũng ủng hộ ông. Quốc hội Nepal đã thông qua nghị quyết nhiệt liệt chúc mừng “thắng lợi của nhân dân”.

Một nghị sĩ Quốc hội cho phóng viên biết, theo phong tục của Nepal, Quốc vương chỉ bắt tay người nước ngoài, nhưng tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Koirala, nhà vua đã phá lệ đưa tay ra định bắt với hàm ý bày tỏ sự tôn trọng vai trò của ông Koirala trong đời sống chính trị đất nước.

Nhưng thật bất ngờ, Koirala đã rụt tay lại không bắt mà chắp tay bày tỏ tôn kính vua. Từ cử chỉ đó có thể thấy tình cảm phức tạp của ông đối với Quốc vương Gyanendra.

Ông Koirala sinh năm 1921 trong một gia đình người Nepal sống tại bang Bihar Ấn Độ, Gia tộc ông là một “Gia tộc thủ tướng” nổi tiếng ở Nepal.

Năm 1947, cha ông thành lập Đảng Đại hội Nepal tại ấn Độ, khi đó Nepal còn đang dưới ách thống trị độc tài của gia tộc Rana, nhà vua cũng phải chạy sang Ấn Độ xin giúp đỡ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Đại hội, nhân dân Nepal đã đứng dậy lật đổ chế độ Rana, nhà vua được trở về nắm quyền. Do cống hiến của gia tộc ông nên những năm 1950, hai người anh trai của Koirala lần lượt được trao chức Thủ tướng.

Nhưng đến năm 1960, Quốc vương đã ban lệnh cấm mọi chính đảng hoạt động, anh em ông lần lượt bị bắt và phải ngồi tù suốt 7 năm trời.

Tháng 5/1991, sau khi lệnh cấm các đảng hoạt động được bãi bỏ, Đảng Đại hội đã giành thắng lợi. Là Chủ tịch đảng, ông Koirala được ngồi vào ghế Thủ tướng lần thứ nhất.

Thế nhưng do nội bộ các chính đảng phân hoá, chia rẽ nên trong vòng 10 năm, ông đã 4 lần ra giữ chức Thủ tướng rồi lại phải ra đi. Tháng 5/2002, Quốc vương Gyanendra đã ra lệnh giải tán cơ quan lập pháp sau khi cơ quan này không tái áp đặt tình trạng khẩn cấp để chống hoạt động của quân nổi dậy.

Tháng 4 năm nay, Liên minh 7 đảng phát động cuộc đấu tranh đường phố lớn chưa từng thấy đòi Quốc vương khôi phục lại quốc hội. Mặc dù đang bị bệnh nặng nhưng Koirala vẫn được chọn làm tổng chỉ huy cuộc đấu tranh.

Ông nhiều lần triệu tập hội nghị các chính đảng ngay tại nhà riêng, hành động này khiến ông trở thành kẻ tử thù của Quốc vương Gyanendra.

Ngày 24/4, sau khi Quốc vương tuyên bố khôi phục lại quốc hội, Liên minh 7 đảng đã nhất trí cử ông ra giữ chức Thủ tướng lần thứ 5.

Do thái độ của Koirala khá ôn hoà nên ông là nhân vật được các phái chấp nhận, rất nhiều người Nepal gửi gắm hy vọng vào ông. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, mặc dù quốc hội đã khôi phục sự vận hành, Liên minh 7 đảng đã quay lại cầm quyền, nhưng tình hình hiện nay vẫn rất phức tạp, việc thuyết phục các lực lượng vũ trang chống chính phủ hạ vũ khí vẫn là thách thức hàng đầu.

Ngoài ra việc làm thế nào duy trì được sự đoàn kết trong nội bộ liên minh cầm quyền, điều hòa mối quan hệ giữa chính phủ, quốc hội với nhà vua cũng là cả một vấn đề lớn.

Với kinh nghiệm chính trường phong phú nhưng tuổi đã cao lại đang mang bệnh, liệu ông Koirala có chèo lái con thuyền Nepal thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay được hay không thì còn phải chờ xem! 

MỚI - NÓNG