Người Hàn Quốc bị Mỹ 'lừa dối' trong vụ tàu sân bay tới Triều Tiên?

Tàu sân bay Carl Vinson trên Ấn Độ Dương tuần trước. Ảnh: US Navy
Tàu sân bay Carl Vinson trên Ấn Độ Dương tuần trước. Ảnh: US Navy
TPO - Khi có tin về vụ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai nhóm tàu sân bay Carl Vinson đến Bán đảo Triều Tiên, nhiều người Hàn Quốc lo sợ chiến tranh sắp nổ ra. Nhưng khi biết thực tế không phải như vậy, người Hàn cảm thấy hoang mang.

“Ông Trump nói dối về Carl Vinson” là tiêu đề chính trên báo JoongAng Ilbo số ra ngày 19/4.  “Ông Tập Cận Bình và Putin chắc hẳn đã nhạo báng điều này”, bài báo viết.

“Triều Tiên thường bị cáo buộc trưng tên lửa giả trong các cuộc diễu binh, nhưng nay Mỹ cũng dùng chiêu đó sao?” bài báo đặt câu hỏi.

Dư luận ồn ào về việc nhóm tàu sân bay tác chiến Mỹ không đến Bán đảo Triều Tiên trong dịp Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa vào tuần trước, làm dấy lên những câu hỏi: Liệu các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản có được Mỹ thông báo về điều diễn ra trên thực tế? Liệu chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên bị tác động như thế nào sau một lời đe dọa trống rỗng?

Không chỉ giận giữ về vụ tàu Carl Vison, nhiều người Hàn Quốc còn khó chịu với việc ông Trump khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal tuần trước rằng bán đảo Triều Tiên “trước đây là một phần của Trung Quốc”.

Dù bán đảo Triều Tiên trong quá khứ thường bị Trung Quốc mang quân sang đánh chiếm và buộc phải cống nộp, người Hàn Quốc cho rằng người nào nói đất nước họ từng thuộc Trung Quốc là một điều sỉ nhục.

“50 triệu người Hàn Quốc cũng như nhiều người có hiểu biết thông thường trên thế giới không thể không cảm thấy sốc và xấu hổ vì điều này (điều ông Trump nói)”, ông Youn Kwan-suk, phát ngôn viên đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc, nói. Đảng này đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trước đợt bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 9/5.

Các tàu sân bay Mỹ có những chuyến thăm định kỳ đến các khu vực gần bán đảo Triều Tiên để tập trận chung với quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thông báo ngày 9/4 rằng nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã nhận lệnh rời Singapore để trở lại Tây Thái Bình Dương thì quyết định này được cho là bất thường, vì tàu đó vừa tham gia tập trận chung ngoài khơi bán đảo Triều Tiên vào tháng trước.

“Chúng tôi đang cử đi một hạm đội”, Tổng thống Trump nói vào thời điểm đó.

Ngày 19/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận, chỉ nói rằng Mỹ và Hàn Quốc không thảo luận chi tiết về chiến lược chung nhằm ngăn chặn Triều Tiên.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng bộ này đang cố làm dịu vấn đề trước khi người Hàn Quốc bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 9/5, và khi đó những hành động của Triều Tiên sẽ trở thành vấn đề được cử tri quan tâm nhất.

“Hàn Quốc không thể không biết rằng tàu Carl Vinson không đến bán đảo Triều Tiên vào cuối tuần trước.  Nhưng họ vẫn im lặng, không làm gì để làm dịu nỗi lo khi vấn đề an ninh sẽ là chủ đề chính được quan tâm trong kỳ bầu cử”, ông Kim Dong-yub, một cựu sĩ quan hải quân và nay đang là nhà phân tích quốc phòng tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc ĐH Kyungnam ở Seoul, nhận xét.

“Điều họ làm không phải là đang cố tác động đến cuộc bầu cử. Toàn bộ câu chuyện này là lời nhắc nhở rằng Hàn Quốc đang bị trói buộc như thế nào trong quan hệ liên minh với Mỹ”, báo New York Times dẫn lời ông Kim.

Ông Shin In-kyun, một chuyên gia quân sự đang điều hành Mạng lưới quốc phòng Hàn Quốc (một tổ chức dân sự), cho rằng ông Trump có vẻ đã dùng Carl Vinsson để giả vờ nhằm ngăn chặn Triều Tiên thử hạt nhân.

“Sẽ rất kỳ quặc nếu quân đội Hàn Quốc ra mặt và nói rõ xem họ có biết ông Trump đã lừa phỉnh hay không”, ông Shin nhận định. “Kế lừa đó thực tế đã có tác dụng. Triều Tiên không thực hiện một vụ thử hạt nhân vào thứ Bảy tuần trước”, ông Shin nói..

Tổn hại uy tín

Sau khi ông Trump ra lệnh tấn công một căn cứ không quân của Syria bằng 59 tên lửa đạn đạo và giới chức Mỹ nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo rằng “các lựa chọn quân sự” luôn được đặt lên bàn để giải quyết vấn đề Triều Tiên, tin tức về việc tàu Carl Vinson hối hả quay lại bán đảo Triều Tiên gây nhiều lo lắng ở Hàn Quốc về khả năng Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân nhân 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Tại Hàn Quốc, tất cả các ứng viên nổi bật trong cuộc đua giành vị trí tổng thống đều đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ sẽ châm ngòi chiến tranh toàn diện trên bán đảo Triều Tiên. Các ứng viên tranh luận gay gắt về việc ai là người thích hợp nhất để duy trì hòa bình trên bán đảo.

Ông Kim Ky-baek, người điều hành trang web theo chủ nghĩa dân tộc Minjokcorea, bày tỏ lo ngại rằng câu chuyện về tàu Carl Vinson không đến bán đảo Triều Tiên như Mỹ tuyên bố sẽ làm tổn hại đến uy tín của ông Trump trong lòng người dân Hàn Quốc.

“Ông Trump có thể nói đây là một chiến thuật đốt khói mù. Nhưng ấn tượng của chúng tôi là chính quyền Trump vẫn không biết họ đang nỗ lực làm điều gì với Triều Tiên, và cũng không có đường dây liên lạc rõ ràng và hiệu quả”, ông Kim nói.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, từ chối trả lời trực tiếp về hành trình của tàu Carl Vinson khi nhận được câu hỏi trong cuộc họp báo hằng ngày. “Đó là vấn đề hoạt động của quân đội Mỹ”, ông nói.

Nhưng GS Hideshi Takesada công tác tại Viện nghiên cứu Thế giới thuộc ĐH Takushoku, Nhật Bản, nói rằng quân đội Nhật Bản khó có thể không nắm được kế hoạch triển khai tàu Carl Vinson.

“Đối với những vấn đề liên quan mật thiết đến Nhật Bản, hai quân đội đều trao đổi với nhau theo thời gian thực”, GS Takesada nói.

Người Hàn Quốc bị Mỹ 'lừa dối' trong vụ tàu sân bay tới Triều Tiên? ảnh 1
Binh lính Triều Tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Ảnh Getty Images

Người Hàn Quốc bị Mỹ 'lừa dối' trong vụ tàu sân bay tới Triều Tiên? ảnh 2

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên đầu tuần này. Ảnh: Lee Jin-Man

Với việc để mọi người hiểu nhầm về vị trí của nhóm tàu sân say, chính quyền Trump đã gia tăng áp lực với Triều Tiên. Các quan chức ở Tokyo hợp tác rất hiệu quả bằng cách không nói ra, GS Takesada nhận xét.

Nhưng ông Narushige Michishita, một chuyên gia về an ninh quốc tế tại Viện cao học quốc gia về nghiên cứu chính sách tại Tokyo, cho rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng dù bản chất là một sự cố ý gây hiểu lầm hay chỉ là thông tin không thông suốt giữa Nhà Trắng và Lầu Năm góc.

“Việc đó làm tổn hại đến uy tín của lãnh đạo Mỹ”, ông Michishita nhận xét.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.